Công an tỉnh Gia Lai cho biết thêm, qua quá trình tổng rà soát và phúc tra với hơn 1.000 cơ sở là các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học, cơ sở kinh doanh…trong toàn tỉnh, lực lượng chức năng xác định có hơn 350 cơ sở còn mắc những thiếu sót, vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ như: Không thẩm duyệt, không nghiệm thu đã đưa cơ sở vào hoạt động hoặc các cơ sở thẩm duyệt rồi nhưng chưa nghiệm thu đã đưa vào hoạt động, vi phạm về lối thoát nạn, vi phạm về khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan và không mua sắm, trang bị phương tiện chữa cháy…

leftcenterrightdel

Một buổi tiếp xúc với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học, cơ sở kinh doanh còn vướng mắc về công tác phòng cháy chữa cháy tại TP Pleiku, Gia Lai.

Hầu hết các cơ sở cho biết chưa bố trí được nguồn kinh phí để mua sắm hoặc sửa chữa các trang, thiết bị phục vụ cho phòng cháy chữa cháy theo quy định, gồm lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, hệ thống cấp nước chữa cháy…

Để giải quyết các trường hợp còn vướng mắc, Công an tỉnh Gia Lai đã giao phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chủ trì tổ công tác phối hợp với Công an các địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đối thoại trực tiếp tại 14 địa phương có cơ sở vi phạm đến trước ngày 21-9.

Tại các buổi làm việc, tổ công tác sẽ hướng dẫn cụ thể, giải đáp trực tiếp các khó khăn cho các cơ sở theo từng nhóm loại hình, nhằm đánh giá thực trạng còn tồn tại và tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở, phục vụ hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) và thực tế tại địa phương. Các trường hợp không chấp hành phải có văn bản báo cáo UBND các cấp để chỉ đạo, không cho phép cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tiếp tục hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao.

Tin, ảnh: TUẤN SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.