Những đêm thâu, dưới ánh đèn dầu vặn nhỏ, tiếng radio mở khe khẽ, tôi nằm cạnh bà nội và được nghe bà kể về ngày xưa. Ông tôi là quân nhân thuộc một đơn vị của Quân khu 1. Vì ông nhận nhiệm vụ chuyển quân lên trung du miền núi phía Bắc, nên cả gia đình phải rời Thái Bình, theo ông đến định cư ở Thái Nguyên. Ngày rời quê, đi thuyền theo sông Hồng, ông bà mang theo vỏn vẹn bộ cột kèo để đến nơi ở mới dựng nhà. Ánh trăng sáng vằng vặc, bà bịn rịn không muốn rời quê hương, nơi gắn bó từ thuở thiếu thời, nhưng thuyền đã rời bến. Bà cũng chẳng thể ngờ, chuyến đi ấy mang theo những day dứt, nhớ thương, mà chỉ khi đi xa rồi, bà mới thấm thía hai tiếng “quê hương”.
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Vùng đất mới khô cằn sỏi đá, qua bao nhiêu vun trồng, tưới tắm, đôi quang gánh của bà tôi cũng bạc màu theo bốn mùa. Mùa na đến mùa ổi, mùa táo đến mùa hoa trong vườn, bà tôi đều một mình quán xuyến gia đình khi chồng là bộ đội xa nhà. Ở nơi “đất lành chim đậu”, bà vẫn không vơi nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn của mình. Dù xa cách mấy, bà vẫn viện lý do chính đáng để được về quê, khi thì về giỗ chạp, khi thì về thăm ai đó bên hai họ. Mỗi lần về quê là một lần thu vén, mùa nào thức nấy, luôn có chút quà biếu người già hay lót tay con trẻ gọi là lấy thảo. Cứ mỗi lần sau chuyến đi về như thế, bà tôi lại trằn trọc thao thức.
Bà kể cho tôi nghe, ngày ấy bà cũng lưỡng lự, có điều, bà quyết định theo ông đi vùng đất mới chỉ vì tâm sự của một người bạn: “Nếu tớ mà còn có chồng như Bằng thì chồng ở đâu tớ theo đấy, chỉ tiếc là tớ không còn cơ hội ấy nữa. Chiến tranh, bom đạn đã cướp đi anh ấy, đến một giọt máu anh ấy cũng chưa kịp để lại trên cõi đời này ...”. Nói đoạn, người đàn bà góa bụa gục vào vai bạn khóc nức nở. “Biển cả mênh mông, ai đo được tấm lòng người mẹ”. Những ngày tháng bà mạnh khỏe để trò chuyện với con cháu ít dần. Đêm về, trong căn phòng của bà, ánh đèn dầu vặn nhỏ lập lòe, tiếng radio nhỏ dần rồi tắt lịm, tiếng hát, tiếng ngâm thơ của bà với tôi bây giờ chỉ còn trong ký ức.
Ai đã sinh ra với hai bàn tay trắng rồi cũng trở về với hai bàn tay trắng. Vậy sống sao để khi nằm xuống với đất mẹ, để khi trở về với quê cha đất tổ được thanh thản vì đã sống không hổ thẹn với lương tâm. Cuối cùng, sau bao nhiêu thăng trầm, bà tôi đã không còn phải mệt mỏi vì nhớ nhung, quyến luyến. Bà về đoàn tụ với ông tôi trong chuyến đi cuối cùng của cuộc đời, trọn vẹn nghĩa tình của một đời yêu thương chân chất. Chúng tôi sẽ luôn giữ lại hình ảnh lúc bà đẹp nhất, đó là khi bà hồn nhiên cất lên những câu hát về quê hương, đất nước, về tình mẫu tử, về tình yêu bất diệt, lòng thủy chung son sắt mà cả một đời bà đã dành trọn cho ông tôi, một người lính Cụ Hồ.
VŨ HỒNG PHƯƠNG