Sinh ra và lớn lên tại TP Yên Bái, tháng 5-1978, Khổng Minh Quý lên đường nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, Khổng Minh Quý tham gia nhiều trận đánh bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 26-9-1980, trong một trận đánh bảo vệ biên giới, Khổng Minh Quý bị thương, được đưa về tuyến sau điều trị. Tháng 10-1984, ông xuất ngũ và được về Trung tâm Điều dưỡng K5, tỉnh Phú Thọ an điều dưỡng, đến tháng 4-1990 gia đình xin đưa ông về chăm sóc.

Thương binh Khổng Minh Quý trò chuyện cùng tác giả.  Ảnh: TUẤN DUY 

Mặc dù bị thương nặng, mỗi khi trái gió trở trời thường hay đau yếu, nhưng với nghị lực và sự quyết tâm không cam chịu đói nghèo, thương binh Khổng Minh Quý cùng gia đình từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhận thấy quê hương có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển các mặt hàng nông sản, từ đó, ông bàn với gia đình trồng các loại rau, củ, quả ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm như ngan, gà, lợn...

Khi kinh tế ổn định, ông nghĩ đến chuyện làm giàu và đã nhận thầu 3ha đất rừng để trồng cây quế, keo, bạch đàn, chè bát tiên... Lấy ngắn nuôi dài, sau gần chục năm ông đã có được mô hình kinh tế trang trại rất hiệu quả. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế trang trại của thương binh Khổng Minh Quý cho lãi 200 triệu đồng. Mô hình kinh tế của gia đình ông trở thành điểm sáng để các cựu chiến binh (CCB) nhiều nơi đến tham quan, học tập.

Không những làm kinh tế giỏi, thương binh Khổng Minh Quý còn nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động của hội CCB. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, ông đã vận động, quyên góp từ các CCB khá giả, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn phường Yên Thịnh được 270 triệu đồng để chi phí cho quá trình đi tìm hài cốt liệt sĩ, giúp đỡ CCB có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức cho CCB đi thăm lại chiến trường xưa. 

ĐÀO DUY TUẤN