Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có một quyết định rất nhân văn và hợp lòng dân khi công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các bộ trưởng, trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo việc tổ chức đưa đón người dân về quê. Đó là nhu cầu chính đáng, nhưng nếu không tổ chức tốt sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan. 

Trước khi Thủ tướng chỉ đạo, nhiều địa phương đã có những giải pháp, nỗ lực cao nhất để giúp dân. Ở Nghệ An, lãnh đạo tỉnh này đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn việc tổ chức đón dân trở về. Lãnh đạo tỉnh này khẳng định, việc đón những công dân có hoàn cảnh khó khăn trở về quê vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền đối với công dân tỉnh nhà. Mặc dù trong điều kiện ngân sách khó khăn, tỉnh sẽ hỗ trợ tiền ăn, chi phí xét nghiệm ở mức tối thiểu cho những công dân ở các khu cách ly tập trung. Tại tỉnh Quảng Bình, cùng với mở thêm nhiều khu cách ly mới, lãnh đạo nhiều địa phương đã có sáng kiến vận động người dân ghép hộ, dồn nhà để nhường ngôi nhà mình đang ở cho đồng bào về tránh dịch... Trong khi nhiều tỉnh có giải pháp thực hiện hiệu quả thì vẫn không ít địa phương cán bộ vì muốn “an toàn” nên đá quả bóng trách nhiệm cho cơ chế, chẳng những không có giải pháp kịp thời hỗ trợ nhân dân mà còn tăng thêm các rào cản, quy định ngặt nghèo.

 Người dân Quảng Bình được địa phương hỗ trợ đưa đón về quê bằng tàu hỏa. Ảnh: baotintuc.vn.

Tháng 5 vừa qua, toàn bộ doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang phải ngừng hoạt động khiến đứt gãy chuỗi sản xuất đang phục vụ các hãng lớn như Samsung, Apple, LG. Hơn 600 doanh nghiệp đã tạm dừng, giải thể và rút lui khỏi thị trường. Tình hình tưởng như không có đường ra, thế nhưng, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", sau gần hai tháng dập dịch, tỉnh khống chế thành công dịch bệnh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Từ đó đến nay, Bắc Giang vẫn duy trì được sự an toàn với tinh thần “bỏ một đồng phòng dịch thì sẽ không mất một triệu chống dịch”. Và ngay trong lúc bão dịch, Bắc Giang vẫn quyết hoạt động trở lại 8 doanh nghiệp mẫu để giữ được mạch máu sản xuất.

Trong một cuộc họp chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt câu hỏi đại ý: Cũng là mô hình, cách làm, biện pháp giống nhau, sự nguy hiểm của chủng virus giống nhau nhưng tại sao Bắc Giang dập được dịch, trở lại sản xuất? Vì Bắc Giang làm quyết liệt, thần tốc, cả hệ thống chính trị và toàn dân xét nghiệm, truy vết suốt đêm, không một chút lơi lỏng. Câu trả lời của Thủ tướng cho thấy một lý do quan trọng: Từ đội ngũ cán bộ, từ sự dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách.

Tương tự như vậy, ở TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện mô hình thu dung chăm sóc F0 không triệu chứng, không coi họ là người bệnh để giảm tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển thành có triệu chứng. Tại quận 6 và quận Phú Nhuận đã mạnh dạn đưa thuốc vào điều trị ngay từ sớm cho các F0 trước khi cơ quan chức năng có hướng dẫn, nhờ đó chữa bệnh rất hiệu quả, trở thành mô hình chính thức... Hay tại quận 7, trước sự quá tải của hệ thống y tế, lãnh đạo địa phương cho phép thiết lập phòng cấp cứu ngay trong các khu cách ly tập trung F0 mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Từ đó, quận 7 mạnh dạn chuyển đổi một khu cách ly tập trung thành Bệnh viện dã chiến số 1 để điều trị bệnh nhân Covid-19 mà không phải chuyển đi xa. Đây là bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đầu tiên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và trở thành mô hình hiệu quả.

Những câu chuyện thực tiễn trên càng cho thấy, chủ trương xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là hết sức cần thiết lúc này, nhất là trong bối cảnh đại dịch không chỉ tác động đến y tế, sức khỏe của người dân mà còn tạo ra loại virus sợ trách nhiệm cũng vô cùng nguy hiểm.

Trong cuộc gặp gỡ các chuyên gia kinh tế với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mới đây, nhiều chuyên gia đã nhắc đến bài học dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và đề nghị công tác phòng, chống dịch hiện nay cũng phải chuyển hướng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Phải sống chung với Covid-19, tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi và trong cuộc chiến mới này, rất cần phải có những cán bộ “6 dám”, mở ra những đột phá khẩu để phá tan những điểm nghẽn lâu nay.

Trong những bài viết trước, chúng tôi đã nhắc đến bài học lịch sử, tấm gương các nhà cách mạng tiền bối từng mạnh dạn “xé rào”, chấp nhận “đi trên dây” để tìm ra con đường đúng đắn. Nhưng ngay trong những ngày lửa đạn hay "đêm trước" đổi mới ấy, những người “xé rào” dù sáng tạo đến đâu vẫn luôn tôn trọng tổ chức, tôn trọng cấp ủy đảng. Những ngày này, chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Lịch sử còn ghi những chuyến tàu không số không may mắc cạn giữa vùng địch chiếm, tiến thoái lưỡng nan giữa ban ngày, cấp trên lệnh phải rút lui, hủy tàu nhưng thuyền trưởng, bí thư chi bộ tàu vẫn kiên quyết “còn nước còn tát”, lệnh cho anh em rút lui hết chỉ để hai người ở lại, thi gan cùng máy bay trinh sát của địch và cuối cùng... thoát hiểm. Nhưng trước khi đi đến quyết định ấy, trong đêm về sáng, cấp ủy tàu vẫn họp để dân chủ bàn bạc. Câu chuyện lịch sử đó cho thấy, chẳng phải ngẫu nhiên mà Kết luận số 14-KL/TW nêu rõ: “Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng...”.

Chúng ta đang sống trong những ngày tháng của một lịch sử mới, lịch sử cuộc chiến đấu với thứ giặc vô hình Covid-19 đặt ra thách thức chưa từng có đối với đất nước ta, nhân dân ta và mỗi cán bộ đảng viên. Đây cũng là lúc tinh thần “6 dám” cần được thắp lên và Báo Quân đội nhân dân hy vọng, Chuyên mục “Nói thẳng-Làm thật” sẽ góp thêm tiếng nói, góp thêm một diễn đàn cổ vũ những cán bộ, đảng viên “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”.

NGUYỄN VĂN MINH - TRẦN HOÀNG TIẾN