Nhìn lại những bài học lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước, quân đội đã trải qua giúp chúng ta thêm nghĩ suy, tìm giải pháp triển khai tốt hơn Kết luận số 14-KL/TW.

Chuyện “đi trước nghị quyết” của Bác Hồ

Ít ai biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Quân đội ta lại chính là người từng trải qua không ít thăng trầm bởi tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. GS, TS Mạch Quang Thắng, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn lại lịch sử Quốc tế Cộng sản (QTCS) những năm đầu thế kỷ 20 đã phân tích: Đại hội VI QTCS còn chủ quan về lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa, chỉ thừa nhận công nông, hạ thấp vai trò giai cấp tư sản dân tộc và các lực lượng khác. Trong khi đó, Nguyễn Ái Quốc lại coi những lực lượng đó là “bầu bạn của cách mạng”. Khi thành lập Đảng ta, Bác đã giữ quan điểm này một cách kiên trì nên có những ý kiến cho rằng Nguyễn Ái Quốc là người theo chủ nghĩa dân tộc, quốc gia cải lương.

Theo tài liệu đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có một cuộc thẩm tra, kiểm điểm về vấn đề này vào năm 1936. Bác Hồ một mặt giữ vững quan điểm, một mặt chấp hành chỉ thị, không tranh cãi, tiếp tục củng cố mối quan hệ với QTCS. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Lê Hồng Phong trước đó đã nhận xét rất đúng rằng: “Tôi biết rằng đồng chí Nguyễn Ái Quốc rất tích cực trong hoạt động cách mạng và các vấn đề sự nghiệp của Đảng luôn được đồng chí đặt cao hơn cuộc sống cá nhân. Có thể nói rằng đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng".

leftcenterrightdel
Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đến ngày hôm nay, lịch sử càng soi rọi sự lựa chọn của Bác ngày ấy là hết sức đúng đắn.

“Cơ chế đặc biệt” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Có lẽ chính vì thế mà Bác Hồ luôn trân trọng, khích lệ và bảo vệ, thậm chí có “cơ chế đặc biệt” cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Dự báo về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng “con rắn thực dân đã bị ta đánh gãy lưng” và để đánh cho giập đầu nó, “trận ấy phải là một trận khủng khiếp nhất”. Người đã trao nhiệm vụ chỉ huy trận ấy cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một cơ chế đặc biệt. Trước băn khoăn của Đại tướng rằng ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị, Bác nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận "tướng quân tại ngoại" trao cho chú toàn quyền...”.

Trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận, mặc dù nhiều ý kiến chưa thông suốt nhưng Đại tướng vẫn quyết định chuyển đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc và chắc thắng, hoãn nổ súng, kéo pháo ra. Quyết định này ngược với cả phương án đã được Bộ Chính trị duyệt, song bắt nguồn từ thực tiễn, từ các nguồn tin quân báo và kiểm tra thực tế chiến trường có nhiều bất lợi cho ta. Và không chỉ dừng ở chuyện kéo pháo ra, lúc này Đại tướng còn có một quyết định dám nghĩ, dám làm mang tính lịch sử khác.

Lịch sử ghi lại: Chỉ 6 tiếng trước giờ nổ súng, mệnh lệnh được phát ra: Hoãn cuộc tiến công, giãn quân và rút pháo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp điện thoại lệnh Sư đoàn 308 quặt ra phía sau đánh vào cánh quân Pháp từ Thượng Lào sang, rồi lệnh tiếp vượt biên giới truy kích, cùng bộ đội Pathet Lào đánh như chẻ tre hơn 200 cây số xuyên rừng tới gần Luang Prabang, tạo thành một đòn đột kích chiến lược lớn khiến địch choáng váng. Đó là một trận đánh lớn không dự kiến trước, không có chuẩn bị bảo đảm hậu cần và tình báo như ở các chiến dịch trước nhưng hoàn toàn bất ngờ đối với đối phương và đã được Bộ Chính trị chấp thuận, tạo ra bước ngoặt lịch sử. Nhiều năm sau, Đại tướng Lê Trọng Tấn còn nhắc lại: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ". Trung tướng Vương Thừa Vũ tâm sự: "Nếu lần đó cứ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm!".

Từ "xé rào" đánh giặc đến Nghị quyết 21 của Trung ương

Những ngày này, khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rất tâm đắc. Ông liên hệ đến thực tế những ngày là Trung đoàn trưởng Trung đoàn U Minh (Quân khu 9) và cho rằng: Ngày nay, Bộ Chính trị, Trung ương cũng cần biết lắng nghe cơ sở, ghi nhận những cách làm có thể “xé rào” nhưng xuất phát từ thực tiễn và vì lợi ích chung. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Trung ương chủ trương tạm ngừng bắn chờ “đêm trước hòa bình”, thậm chí thực hiện “5 cấm chỉ”: Cấm tấn công vũ trang, cấm bao vây đồn bốt, cấm đánh địch bung ra, cấm pháo kích, cấm làm xã ấp chiến đấu”. Thế nhưng ở Khu 9, địch vẫn phản kích, tấn công ta, âm mưu “tràn ngập lãnh thổ”. Các đồng chí Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh đã chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm, lệnh cho quân và dân Quân khu 9 kiên quyết nổ súng đánh trả, bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Có dư luận: Quân khu 9 xa Miền, xa Trung ương nên đã “ngủ quên”, không biết hiệp định được ký kết, phải tự kiềm chế, Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh sẽ phải ra tòa án binh vì làm trái lệnh trên.

Song chỉ ít tháng sau, từ thực tiễn cuộc chiến đấu sinh tử giữa ta và địch trên địa bàn Khu 5, Khu 8, Khu 9, Trung ương, Quân ủy Trung ương nhìn nhận rõ: Không bao giờ được ảo tưởng, trông chờ “thiện chí hòa bình” của kẻ thù. “Tại hội nghị lần thứ 21 vào cuối tháng 6 năm 1973, kinh nghiệm, giải pháp mà anh Võ Văn Kiệt và anh Lê Đức Anh mang đến là nhân tố vô cùng quan trọng để Trung ương đề ra Nghị quyết 21 với con đường duy nhất đúng là dùng bạo lực cách mạng đè bẹp bạo lực phản cách mạng, là cơ sở để sau này tiến tới “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Đại tướng Phạm Văn Trà kể.

Những câu chuyện, những con người được nêu ở trên đều giống nhau về sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Song họ cũng đều giống nhau ở tinh thần tôn trọng tập thể, tôn trọng tổ chức đảng. “Xé rào” nhưng không xé ý thức tổ chức kỷ luật, không xé nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ trương, nghị quyết có thể manh nha từ sự “xé rào” đột phá cá nhân nhưng nó chỉ trở thành sức mạnh vật chất khi được thừa nhận trong tập thể lãnh đạo, biến thành suy nghĩ và hành động chung của mọi người.

Từ “xé rào” cá nhân đến bức trường thành mới tập thể ngoài sự năng động, sáng tạo, đột phá còn cần phải có sự nhìn nhận, cảm thông, ghi nhận của cấp trên, nhất là những người đứng đầu, sớm thấy rõ những câu hỏi và câu trả lời phát sinh từ thực tiễn-thước đo chân lý!

NGUYỄN VĂN MINH - TRẦN HOÀNG TIẾN

Bài 1: Việc cần kíp

Bài 2: Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị: Hiểu thật đúng!

Bài 3: Để các chiến lược thật sự là “cẩm nang” giữ nước