Với một bộ phận nghệ sĩ, diễn viên từng một thời “làm mưa làm gió” trên sân khấu, phim trường, từng được gắn mác với đủ thứ danh xưng hào nhoáng, mỹ miều, đại loại như “ông hoàng, bà chúa, hoàng tử, ngọc nữ, mỹ nam, siêu sao” này nọ, thời gian như một “kẻ thù vô hình” đã bào mòn “tiếng tăm lừng lẫy” một thời của họ. Vì không muốn bị nhạt nhòa ở thời hiện tại, họ có nhiều chiêu trò để “hâm nóng” tên tuổi và thu hút sự tò mò của dư luận.

Mới đây, một nam ca sĩ trung niên bộc bạch rằng, thời hoàng kim cách đây khoảng hai thập niên, anh đi đâu cũng được khán giả săn đón nồng nhiệt, được vô số bạn trẻ xin chữ ký, bắt tay, tranh nhau đứng cạnh để được chụp ảnh với “thần tượng”. Không những vậy, anh còn tiết lộ, thời đó mỗi show diễn của mình có giá cát-sê 200 triệu đồng, số tiền có thể mua được 30 cây vàng.

leftcenterrightdel
Tranh minh họa: Kenh14.vn 

Không chỉ riêng ca sĩ này mà nhiều ca sĩ, diễn viên khác cũng từng khoe trên báo chí, truyền thông, đại loại là ở thời đỉnh cao nghề nghiệp, họ hát một bài cũng có thể thu lời bằng dăm bảy cây vàng; đi diễn một tháng thì số tiền kiếm được có thể mua cả trăm mét vuông đất ở chốn đô thị phồn hoa; chỉ cần xuất hiện tên trên poster phim ăn khách nào đó thì tiền cát-sê có thể mua được một chiếc “xế hộp” xịn (!).

Thuở xưa, nhiều người dân lâm vào cảnh túng bấn, đói khổ mới phải đi “ăn mày” nhằm kiếm chút “cơm thừa canh cặn” của những nhà giàu với hy vọng sống qua ngày tháng bĩ cực. Còn thời nay, nhiều người không đói kém, không sa cơ lỡ vận nhưng vẫn thích “ăn mày dĩ vãng”.

Cụm từ “ăn mày dĩ vãng” gợi lên chút gì đó chua chát, tội nghiệp, phản ánh cuộc sống hiện tại không lấy gì làm thỏa mãn nên mới hồi tưởng quá khứ hòng níu giữ chút huy hoàng xưa cũ. Thực ra, “ăn mày dĩ vàng” nhằm ám chỉ những người tìm mọi cách nhằm phô trương hoài niệm, bám lấy danh vọng cũ để khoe khoang với đời, dù cuộc sống, thời thế có nhiều thay đổi nhưng họ vẫn thích sống trong "hào quang quá khứ". Trong khi cái hào quang đó đôi khi do may mắn của thời cuộc mang lại, nhưng họ lại coi đó như “cái neo” níu kéo danh vọng suốt cuộc đời.

Có lẽ nhờ một thời kiếm tiền quá dễ dàng nên khi hết thời, tên tuổi dần bị đắm chìm trong quá khứ, nhiều ca sĩ, diễn viên lại tìm đến “chữ nghĩa văn chương” như một “cái phao” để cứu giúp hào quang của họ “sống bất tử” cùng thời gian. Từ đó, nhiều cuốn hồi ký, tự truyện của giới showbiz ra đời như một trào lưu khiến dư luận thêm một lần rôm rả, bàn ra tán vào ồn ào như cái chợ! Bởi thiếu chiều sâu kiến thức văn hóa, văn chương, lại sống trong “bề nổi hào quang”, thế nên chủ thể của nhiều cuốn hồi ký, tự truyện “tự vạch áo cho người xem lưng” khi bô bô công khai cho thiên hạ biết đủ thứ “ngóc ngách” trong góc khuất cuộc đời, nghề nghiệp của mình.

Báo hại thay, đáng lẽ hào quang một thời vẫn còn chút lấp lánh trong tình cảm của công chúng, xã hội, nhưng chỉ vì nhiều tình tiết, tình huống, câu chuyện “đào bới quá khứ” một cách vô duyên, thô thiển nên những cuốn hồi ký, tự truyện như vậy đã vô hình trung biến thành “nấm mồ” chôn vùi tên tuổi, sự nghiệp của chính họ. Do vậy có người bảo rằng, đó là cái thứ “ăn mày dĩ vãng” lợi bất cập hại.

Đã là con người chân chính, ai cũng có một thời để nhớ, để tự hào. Vấn đề là ở chỗ, người ta phải biết trân trọng những dấu ấn, kỷ niệm, thành quả, công trạng tốt đẹp của quá khứ một cách đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực để làm điểm tựa cho hiện tại và định hướng cho tương lai. Không lãng quên quá khứ, nhưng không nên coi quá khứ như một thứ “bảo bối” mang ra để khoe khoang, khuếch trương, phô diễn nhằm “lòe mắt” thiên hạ, để cố tình chứng minh “một thời ta lừng lẫy” khiến người khác phải xuýt xoa, vị nể. Trân trọng quá khứ một cách tốt nhất là chú tâm vào những việc làm thật sự thiết thực, hữu ích ở thời hiện tại để tiếp tục khẳng định vị thế bản thân và đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội, đất nước.

CHÍNH NGÔN