Những ngày vừa qua dư luận ì xèo bàn tán về chuyện một diễn viên trẻ “đóng” phim “mát”, trước đó câu chuyện về ca sĩ Phương Thanh bị bôi nhọ trên nhật ký điện tử (blog) và gần đây nhất là “chuyện” diễn viên điện ảnh Thương Tín bị công an bắt vì tội đánh bạc. Mức độ và mật độ xuất hiện “tin xấu” nhiều đã khiến người ta đặt dấu hỏi nghi ngại về nhân cách của những “người của công chúng”. Dễ thấy, trong những sự việc nêu trên có hai hiện tượng rất cần lên án.

Thứ nhất, lối sống không lành mạnh của những người nổi tiếng-thường là trong giới nghệ sĩ-hay được xuất hiện trên phim ảnh, vô tuyến truyền hình và được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến. Hơn ai hết, họ hiểu giá trị của mình. Họ được nhiều người yêu mến và là những tấm gương trong lòng người hâm mộ. “Nhất cử, nhất động” của họ đều được mọi người quan tâm dõi theo. Trong nhiều trường hợp các hành vi lối sống, cách ứng xử xã hội của người nổi tiếng thường được coi là tích cực. Thế nhưng không ít người nổi tiếng đã sống và ứng xử không chuẩn mực. Họ vô tình phụ lòng tin yêu của công chúng. Lý do họ đưa ra thật đơn giản: Sống cho mình! Từ đó có nhiều hành vi sai trái, tự hạ thấp giá trị nhân cách của mình và xa hơn là vi phạm pháp luật. Cá biệt còn có không ít người đã sống buông thả, tha hoá. Gây “hiệu ứng ngược” như vậy thật đáng chê trách. “Người của công chúng” gây ra những dư luận tiêu cực trong xã hội tự làm mất hình ảnh đẹp của mình, tuỳ mức độ nặng nhẹ cần nghiêm trị theo pháp luật.

Thứ hai, những tin đồn, tin xấu gây dư luận xã hội. Hẳn nhiều độc giả chân chính sẽ đồng tình rằng đây thường là “tin lá cải”, “rẻ tiền”. Đáng lên án và chê trách là những kẻ tung tin. “Mẫu số chung” của thông tin và người tung tin là nhằm vào sự hiếu kỳ của công chúng dễ dãi, ít kiểm chứng, và không có cơ sở kiểm chứng. Vụ diễn viên “đóng” phim “mát” nọ có thể nói là rất điển hình. Nhiều tờ báo dễ dãi đưa tin theo các thông tin không rõ ràng có trong các trang nhật ký điện tử. “Tin đồn” của những người viết nhật ký tung ra, được các nhà báo “xào xáo” đưa lên mặt báo. Và lẽ tất nhiên, tin đồn mặc sức tung hoành bay xa vì phần lớn độc giả cả tin tính trung thực của thông tin trên báo chí. Những nhà báo tự nguyện tiếp tay cho tin đồn là rất đáng trách, họ không chỉ làm trái với đạo đức nghề nghiệp mà còn vi phạm Luật báo chí. Một hình thức tung tin khác cũng rất phổ biến trong thời đại công nghệ thông tin, đó là “bới móc” đời tư. Nhiều người của công chúng đã trở thành nạn nhân của lối tung tin này, bị ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và công việc.

Xã hội lên án những “người của công chúng” có lối sống tha hoá, pháp luật sẽ trừng trị nếu như họ có hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng cái mất lớn nhất của họ chính là lòng tin yêu của người hâm mộ. Còn những người tung tin xấu, dù họ còn núp bóng dưới những cái tên “ảo” trong blog, trên internet, tin rằng họ sẽ không còn nói xấu được ai nếu người của công chúng có hành vi đứng đắn, chuẩn mực. Và người dân cũng hi vọng trong tương lai không xa sẽ có những bộ luật để trừng trị kẻ tung tin xấu.

Lê Đông Hà