Mang trên mình thương tật nhưng ông luôn phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông còn là tấm gương sáng về nghị lực sống, tinh thần sẻ chia, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc trong cộng đồng.
Trong ký ức của CCB Nguyễn Viết Phượng, Quảng Trị là chiến trường khốc liệt nhất, cũng là nơi kết tinh tình đồng chí, đồng đội và tình yêu thương của nhân dân dành cho bộ đội. Ngày ấy, ông là chiến sĩ trinh sát thuộc Tiểu đoàn 1, Mặt trận B5. Năm 1973, trong một trận chiến đấu, ông bị thương nặng và được đưa về điều trị tại trạm xá ở tỉnh Quảng Bình.
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Viết Phượng kiểm tra sản phẩm may của công ty.
|
Sau hơn một tháng điều trị, dù sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục nhưng ông vẫn quyết tâm xin trở lại tiếp tục chiến đấu. Trên đường về đơn vị, vết thương tái phát khiến ông ngất xỉu giữa đường và được bà Mai Thị Hoa, khi đó là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cứu giúp, đưa về nhà chăm sóc. Sau gần 3 tuần, sức khỏe dần hồi phục, ông tìm về đơn vị, tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu. CCB Nguyễn Viết Phượng chia sẻ: “Tôi luôn coi đó là món nợ ân tình thiêng liêng và cũng là động lực để mình sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng”.
Rời quân ngũ năm 1974, CCB Nguyễn Viết Phượng trở lại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội học tập. Ra trường, ông về nhận công tác tại Viện Thiết kế công nghiệp tỉnh Nghệ Tĩnh. Cuối năm 1988, ông chuyển về Xí nghiệp Dệt TP Vinh. Là thương binh, sức khỏe yếu nhưng chưa bao giờ ông cho phép mình dừng lại. Nghỉ hưu năm 2002, ông thành lập Công ty TNHH Dệt may Hồng Loan chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động và đồng phục học sinh, sinh viên. Dù thiếu vốn, thiếu thiết bị, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định... nhưng bằng ý chí, lòng kiên trì và sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè, đồng chí, đồng đội cũ, CCB Nguyễn Viết Phượng dần vượt qua khó khăn, đưa công ty từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, phần lớn là con em gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Vinh, công nhân Công ty TNHH Dệt may Hồng Loan cho biết: “Gia đình tôi rất khó khăn, bố tôi là CCB bị nhiễm chất độc da cam, em trai tôi cũng bị ảnh hưởng. Nhờ bác Phượng tạo điều kiện nên tôi có việc làm, thu nhập ổn định để nuôi sống gia đình và chăm sóc bố mẹ, em trai”.
Mong muốn góp một phần nhỏ bé để sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, CCB Nguyễn Viết Phượng thường xuyên tổ chức các chuyến đi thiện nguyện đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trao quà tặng trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi; thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ông đã trao hàng trăm bộ đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập tặng học sinh tại các điểm trường khó khăn ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Con Cuông (Nghệ An). Ông cũng là thành viên tích cực của Hội Doanh nhân CCB tỉnh Nghệ An, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Nghệ An. Hằng năm, ông đều trích một phần lợi nhuận của công ty để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam, gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn. Ông Hồ Đức Thành, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Nghệ An nhận xét: “Thương binh Nguyễn Viết Phượng là người sống nghĩa tình, trách nhiệm, luôn gương mẫu đi đầu trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Ông thường xuyên giúp đỡ các gia đình có công, các nạn nhân chất độc da cam, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của người lính Cụ Hồ”.
Bài và ảnh: TRÀ MY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.