Trước mức độ nguy hiểm của biến thể Delta và những khó khăn của địa phương, tôi nhận thức rõ những nguy cơ và thử thách hiện hữu phía trước đối với bản thân và đồng đội. Thoáng chút âu lo, nhưng khi nhìn vào ánh mắt các chiến sĩ trẻ, mình tự nhủ phải kiên cường, bản lĩnh để làm chỗ dựa tinh thần cho bộ đội vững tâm giúp dân chống dịch.
Ngày đầu tiên với bao bỡ ngỡ, công việc bộn bề, từ trực chốt kiểm soát dịch bệnh; hỗ trợ truy vết F0; tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự... đến tiếp tế lương thực; phục vụ trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến... nhiệm vụ nào cũng vất vả, khó nhọc và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Lực lượng mỏng, tôi phải cắt cử hợp lý theo từng tổ để thuận tiện quản lý và bảo đảm chất lượng công việc được giao. Để làm gương cho chiến sĩ, tôi trực tiếp tham gia cùng bộ phận phục vụ khu cách ly y tế tập trung. Dù là ngày đầu tiên làm việc, nhưng tôi và các chiến sĩ nhanh chóng bắt nhịp với guồng quay trong tâm dịch, chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ các F0. Công việc này thường xuyên phải tiếp xúc gần với người bệnh nên tôi tự ý thức và nhắc nhở các chiến sĩ phải cẩn thận, thực hiện tốt quy định bảo đảm an toàn phòng dịch...
 |
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại CDC Hà Nội. Ảnh: Sở Y tế TP Hà Nội. |
Bước sang ngày thứ hai, mới chừng 4 giờ sáng, tiếng còi hú xe cứu thương đã kêu inh ỏi. Tôi nhận được thông báo: Có bệnh nhân nặng phải chuyển tuyến, cần lực lượng hỗ trợ gấp! Ngay lập tức, tôi bật dậy, gọi thêm 3 chiến sĩ mặc vội bộ đồ bảo hộ, rồi lao đến phòng F0, hỗ trợ thu gom đồ đạc, chuyển bệnh nhân ra xe cứu thương.
Xong việc, chúng trở về phòng, ai nấy đều cảm nhận rõ mức độ căng thẳng và sự vất vả ở khu cách ly tập trung này, bởi TP Thuận An đang trong thời gian cao điểm dịch bệnh hoành hành. Chưa kịp nghỉ ngơi thì có thông báo chuẩn bị tiếp nhận 6 trường hợp F0 vào cách ly điều trị. Cả 4 thầy trò không ai bảo ai, đều tự giác mặc bộ đồ bảo hộ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ hỗ trợ, bố trí nơi ăn, nghỉ cho các bệnh nhân. Cả ngày hôm đó, chúng tôi quay cuồng từ 4 giờ sáng đến tận đêm khuya, liên tục tiếp nhận người vào cách ly và hỗ trợ 5 ca chuyển viện. Đáng nhớ nhất là trường hợp tiếp nhận 4 F0 trong cùng gia đình lúc gần 12 giờ trưa.
Sau khi đã đưa các bệnh nhân vào nhận phòng, cháu bé kêu đói. Do không thông báo trước nên bộ phận hậu cần chưa kịp chuẩn bị bữa trưa cho họ. Đúng lúc tôi cùng 3 chiến sĩ mải làm nhiệm vụ nên chưa ăn cơm. Vậy là đủ suất ăn nhường cho cả gia đình F0 mới đến. Nhìn cháu bé ăn khá ngon lành, tôi thấy vui vui. Trở về phòng, 4 thầy trò chúng tôi hí hoáy cắm nước sôi pha mì gói ăn tạm qua bữa.
Những ngày sau đó, dịch bệnh càng thêm căng thẳng, khu cách ly quá tải, bệnh nhân trở nặng, phải chuyển tuyến nhiều hơn nên chúng tôi mất ngủ liên miên, vất vả, cực nhọc khiến người gầy rộc, da đen sạm. Thế nhưng, quán triệt mệnh lệnh giúp dân trong lúc gian nguy và phương châm chống dịch “sớm hơn, nhanh hơn, cao hơn một bước”, tôi luôn nhắc nhở các chiến sĩ nỗ lực vượt qua khó khăn, đoàn kết, đồng lòng cùng địa phương chống dịch, tận tâm chăm lo cho nhân dân...
Trải qua gần 3 tháng vất vả, nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập, có những chiến sĩ đã phơi nhiễm Covid-19, nhưng cả đơn vị vẫn kiên cường hỗ trợ địa phương chống dịch, để Bình Dương chuyển sang trạng thái bình thường mới...
Sáng hôm qua, trong buổi chia tay địa phương sau chuỗi ngày “chung lưng đấu cật”, trong niềm vui và sự lưu luyến của nhân dân, chúng tôi tự hào khẳng định: “Giặc Covid-19" đã bị đẩy lùi. Dù vất vả, hiểm nguy nhưng chúng ta đã chiến thắng!
Đại úy LÊ VĂN VƯỢNG (Chính trị viên phó Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 434, Quân đoàn 4)