Tới nay, tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã cơ bản được kiểm soát. Nhiều ngày nay, các đoàn y tế, lực lượng chi viện đã rút dần khỏi thành phố. Nhịp sống của thành phố đang dần trở lại, với những người gắn bó với mảnh đất này còn gì hạnh phúc hơn thế. Gần 4 tháng được chung tay cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh, góp sức đưa TP Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới là những ngày tháng thật ý nghĩa trong cuộc đời của tôi.

Ngày 6-6, tôi đăng ký trở thành tình nguyện viên của phường Thạnh Lộc, quận 12. Gần 4 tháng ở tuyến đầu chống dịch, tôi trải qua nhiều công việc khác nhau, như: Trực chốt giao thông, hỗ trợ “ATM gạo”, hỗ trợ tiêm vaccine, tham gia lấy mẫu xét nghiệm ngoài cộng đồng và công tác hậu cần, vận chuyển lương thực.

Khi tham gia chống dịch tôi càng thương ngoại hơn. Tôi hiểu được hạnh phúc của ngoại là lúc nào cũng dành hết sự yêu thương, quan tâm, lo lắng của mình cho con, cháu. Còn nhớ, đối với quyết định trở thành tình nguyện viên của tôi, mọi người trong gia đình đều ủng hộ, trừ ngoại.

 Nguyễn An Khang (đứng sau) chụp cùng bà ngoại và người thân. 

Trong mắt ngoại, tôi luôn là cậu bé bé bỏng. Ngoại lo cho sức khỏe của tôi, sợ tôi chịu thiếu thốn, mệt nhọc. Đặc biệt, ngoại muốn tôi dành thời gian tập trung cho việc học nhiều hơn. Nhưng biết được đây là ý nguyện đã ấp ủ bao lâu của tôi, cuối cùng ngoại đã gật đầu đồng ý.

Những ngày đầu tham gia chống dịch, tôi vẫn trở về nhà và tự cách ly. Nhưng khi dịch tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, lo lắng cho sức khỏe của mọi người, ngày 23-8, tôi quyết định đăng ký ở lại nơi dành cho tình nguyện viên.

Biết tin, ngoại đã rất lo lắng, sợ tôi có ăn đủ no, làm có mệt, ngủ có đủ giấc hay không? Biết tôi thích ăn vặt, ngày 24-8, ngoại gọi điện thoại bảo tôi qua nhà lấy ít đồ ăn. Nhận túi đồ của ngoại, tôi thấy có tờ giấy được cuốn chặt ngoài chai nước ngọt, nhưng tôi cũng không kịp xem vì đang bận việc. Hết giờ làm, tôi đã không cầm được nước mắt khi biết đó là bức thư ngoại gửi cho tôi. Ngoại còn cuốn thêm tờ 500 nghìn đồng trong bức thư, để tôi có tiền mua thêm đồ ăn vặt...

Đọc bức thư, tôi thương ngoại vô cùng. Ngoại năm nay đã 80 tuổi, câu chữ không còn được mạch lạc, nhưng trong đó là cả bầu trời yêu thương ngoại gửi cho tôi.

Ngày 5-9 là ngày bước vào năm học mới, tôi rời nơi ở tập trung, trở về nhà để bảo đảm việc học online. Với lịch học vào buổi sáng, buổi chiều tôi tiếp tục tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Đến ngày 30-9, tôi kết thúc công việc tình nguyện viên và vui mừng đón chờ từ ngày 1-10, TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội và mở lại nhiều hoạt động dịch vụ. Thành phố của tôi đang dần khỏe lại, điều đó hạnh phúc biết chừng nào.

Tham gia tình nguyện chống dịch đối với tôi là bao điều đáng nhớ. Có chuyện này lạ lắm, tôi là tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất phường vậy mà đi đâu cũng bị gọi bằng "anh". Nhưng mọi người không biết rằng, ẩn sau chiếc khẩu trang và bộ đồ bảo hộ kín mít là tôi-chàng trai mới có 16 tuổi, đang học lớp 11.

Cũng thêm một điều đáng nhớ là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất trong quá trình chống dịch đó là: "Đi làm tình nguyện viên như vậy không sợ à? Thật ra, ngày qua ngày, đối mặt với quân giặc vô hình, chỉ cần lơ là một xíu là sẽ bị tấn công ngay.

Nhưng thay vì sợ hãi tôi chọn học hỏi nhiều thông tin phòng, chống dịch hơn để bảo vệ sức khỏe của mọi người xung quanh và chính bản thân mình. Nên thật may mắn, tôi đã an toàn trước Covid-19. Đi chống dịch, tôi cũng được và mất nhiều thứ.

Cái được là tôi đã rèn luyện thói quen dậy sớm; học được cách tự lập khi tự giặt quần áo, tự chuẩn bị chỗ ngủ bằng những chiếc bàn ghép lại; biết cách chia sẻ, làm việc nhóm. Còn cái “mất” của tôi đó là sự lười biếng và thói quen “cày game” suốt ngày.

NGUYỄN AN KHANG, lớp 11B18, Trường THPT Trường Chinh