Cảm ơn tình cảm mà cả nước dành cho miền Nam ruột thịt. Cảm ơn những hy sinh thầm lặng của những người trên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bình Tân, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương; nhân viên y tế của tỉnh Phú Thọ. Cảm ơn mọi người vì đã gắn bó với nhau như một gia đình, cùng nhau cố gắng để giúp thành phố khỏe lại.
Còn nhớ tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh, ba tôi ở lại công ty để làm việc theo phương thức "3 tại chỗ". Chẳng may ba bị nhiễm Covid-19, được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị. Đầu tháng 8, khi tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch ở địa phương, mẹ tôi cũng trở thành F0. Qua xét nghiệm, cả nhà gồm bà ngoại, tôi, em trai và người họ hàng sống cùng nhà cũng trở thành F0.
 |
Tác giả (ngoài cùng, bên phải) trong những ngày làm tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 4. |
Ngày 20-8, ba tôi được xuất viện về nhà cách ly thì 5 người trong gia đình lại đến Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị. Mẹ và bà ngoại có bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp nên bệnh chuyển nặng nhanh. Bà ngoại tôi bị xuất huyết não trên nền Covid-19 nên được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115, còn mẹ tôi được chuyển sang khu hồi sức của Bệnh viện dã chiến số 4. May mắn là tôi và em trai có triệu chứng nhẹ với Covid-19. Ngày 24-8, chúng tôi có kết quả xét nghiệm âm tính, sức khỏe ổn định.
Nhận kết quả âm tính với Covid-19 cũng là lúc cả hai anh em tôi quyết định xin ở lại bệnh viện làm tình nguyện viên. Những ngày điều trị ở đây, chúng tôi đã thấy nỗi vất vả của các y, bác sĩ; sự cam go của dịch bệnh và chúng tôi muốn làm điều gì đó cho thành phố của mình. Nghe tin, mẹ đã khóc. Nhưng rồi mẹ cũng hiểu... Công việc của tôi là theo dõi tình trạng bệnh nhân sau đó báo lại cho bác sĩ; dọn dẹp vệ sinh, vận chuyển bình oxy, chăm sóc, giúp đỡ những người đang thực hiện điều trị tại bệnh viện.
Ngày 6-9, mẹ tôi được xuất viện. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, sức khỏe của bà ngoại tôi cũng dần hồi phục. Hai anh em tôi vui lắm! Đây cũng chính là động lực để tôi và em trai vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm. Mỗi ngày niềm vui đến với hai anh em chỉ đơn giản là được nhìn thấy mọi người có kết quả âm tính với Covid-19, được trở về nhà.
Đối với tôi, những ngày tháng tham gia chống dịch là những ngày đáng nhớ nhất đời mình. Tôi-chàng trai 21 tuổi biết sẻ chia, quan tâm nhiều hơn và đặc biệt có cơ duyên trở thành bảo mẫu. Ngày 8-9, bệnh viện tiếp nhận hai bé F0 với tên gọi dễ thương là Bắp và Sữa, mới chỉ được 3 và 5 tháng tuổi. Các em bị bỏ rơi khi vừa chào đời tại một bệnh viện lớn tại quận Bình Thạnh. Tại Bệnh viện dã chiến số 4, hai em được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tận tình điều trị, còn tôi và hai nữ tình nguyện viên được phân công nhiệm vụ chăm sóc các em.
Cả 3 chúng tôi đều chưa có gia đình nên ban đầu ai cũng luống cuống khi tắm rửa, thay tã, pha sữa hay dỗ dành các em. Ấy vậy mà nhìn tôi bế em bé, nhiều người trêu “có tướng làm cha lắm rồi”. Những lúc đó tôi chỉ biết bẽn lẽn cười, bởi từ trước đến nay, dù chỉ là tưởng tượng, tôi cũng không nghĩ mình có thể bế một em bé nhỏ xíu trên tay và hát ru em bé ngủ. Sau hai tuần đón các bé về, tôi và mọi người đã dần quen với sự có mặt của hai thiên thần nhỏ này, nhưng cũng đã đến lúc phải chia tay. Ngày 25-9, hai bé có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 và được chuyển về Bệnh viện Nhân dân Gia Định để chăm sóc. Chia tay mà thương hai em nhiều lắm!
Những ngày cuối tháng 9, dịch Covid-19 có dấu hiệu “hạ nhiệt” ở TP Hồ Chí Minh. Ngày 12-10, tôi chia tay Bệnh viện dã chiến số 4 và nhận thông báo ngày 13-10 là ngày cuối cùng mà bệnh viện hoạt động. Giây phút đó tôi biết, thực sự thành phố của mình đã đi qua những ngày khốc liệt nhất của trận chiến chống “giặc Covid-19”.
TRẦN LÊ QUANG TRƯỜNG (Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh)
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ