Dự kiến vào đầu tháng 11-2011, chị sẽ hoàn thành nhiệm vụ của một bác sĩ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch để trở về với công việc thường nhật.
Hành trình hơn 2 tháng cùng đồng nghiệp chữa trị, giúp đỡ các bệnh nhân F0… sẽ là những tháng ngày không thể nào quên của bác sĩ Lê Thị Nga bởi ở nơi tâm dịch, dẫu khó khăn, vất vả, hiểm nguy nhưng tình cảm của bà con dành cho các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ mãi để lại dấu ấn không bao giờ phai trong lòng nữ bác sĩ quân y này.
Giờ đây, tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh dần đã được kiểm soát, số bệnh nhân tử vong đã giảm khá nhiều, cuộc sống đang dần trở lại bình thường trong điều kiện mới, bác sĩ Lê Thị Nga mới có thời gian để viết những dòng nhật ký, ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ mà lần đầu tiên trong cuộc đời làm nghề thầy thuốc, chị tham gia vào cuộc chiến với đại dịch.
 |
Bác sĩ Lê Thị Nga đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 |
TP Hồ Chí Minh những ngày cuối tháng 8
Hôm nay, tôi đã có mặt tại thành phố mang tên Bác để tham gia vào cuộc chiến với đại dịch. Sau khi làm đơn tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh, tôi và các đồng nghiệp tập trung tại Học viện Quân y từ trước đó 1 tháng để chuẩn bị quân, tư trang, thiết bị y tế ...để cùng đồng nghiệp sẵn sàng dấn thân vào nơi tuyến đầu của đại dịch.
Được sự ủng hộ khích lệ của chồng, các con và gia đình hai bên nội ngoại nên tôi bước vào cuộc chiến với đại dịch trong tâm thế rất vững tin, với niềm mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để đẩy lùi dịch bệnh.
Ngày 23-8, tôi nhận nhiệm vụ khám, điều trị cho các bệnh nhân F0 ở phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Tôi và các đồng nghiệp làm việc tại một trạm y tế lưu động, làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân F0 tại nhà. Công việc hằng ngày của chúng tôi là đến tận nhà chăm sóc và điều trị cho các F0, trường hợp bệnh nhân nặng sẽ liên hệ để chuyển họ vào bệnh viện.
Lúc đó, nơi đây được coi là điểm “nóng” vì dịch bệnh bởi phường này có chợ đầu mối Thủ Đức; tỉ lệ tử vong vì F0 tương đối nhiều, tỉ lệ nhiễm bệnh của phường này nhiều nhất của TP Thủ Đức.
Với khoảng 72 nghìn dân, nhưng con số nhiễm Covid-19 khá nhiều. Khi bàn giao nhiệm vụ, các đồng nghiệp cũng nói rằng, phường Bình Chiểu có nhiều F0.
Ngày đầu tiên đến đây, tôi và các đồng nghiệp được sắp xếp ở tại một trường học, đồng thời đây cũng là nơi tiếp nhận các F0. Mới ngày đầu vào đã nhìn cảnh tượng nhiều ca nhiễm được chuyển đến nơi này để chữa trị thì trong lòng tôi rất bất ngờ bởi chưa bao giờ mình phải chứng kiến cảnh tượng nhiều F0 đến thế.
 |
Bác sĩ Lê Thị Nga khám cho bệnh nhân tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh |
Nhưng rồi, công việc cứ cuốn tôi đi, sự mệt mỏi, lo lắng không còn mà trong lòng tôi chỉ có một mong muốn là làm sao chữa trị, giúp đỡ các bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Tôi tìm hiểu các bệnh nhân bị lây nhiễm từ nguồn nào đồng thời đến tận nhà để xem họ ăn uống, nghỉ ngơi ra sao, hỏi xem môi trường sống, diện tích ở thế nào để có phương án điều trị thích hợp. Hơn nữa, tôi và các đồng nghiệp luôn phải tiên lượng sớm những trường hợp F0 bị bệnh nặng thì tuổi bao nhiêu, có bệnh nền ra sao để kịp thời xử lý. Tùy từng trường hợp mà mình có những cách điều trị hoặc liên hệ với đội phản ứng nhanh để chuyển vào viện chữa trị kịp thời.
Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân F0, tôi rất thích mô hình chữa bệnh của trạm y tế lưu động nơi đây bởi có sự kết hợp của nhiều nơi, cấp cứu bệnh nhân kịp thời bởi nếu chỉ có mình tôi thì cũng chẳng làm được nhiều việc như thế.
Vì vậy, mà trong thời gian từ khi tôi vào đến ngày 24-10, chúng tôi đã điều trị khoảng 700 ca F0. Ngoài ra, tôi còn tham gia kết hợp điều trị cho các F0 ở trong khu cách ly. Tuy nhiên, điều trị trong khu cách ly thì không thể đếm được vì hằng ngày các ca F0 nhập viện rất nhiều.
Thời gian sống và làm việc trong môi trường dịch bệnh cùng bà con, dẫu công việc vất vả nhưng chúng tôi luôn được người dân yêu quý. Tình cảm của người dân dành cho các bác sĩ quân y đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi vượt qua khó khăn, chiến đấu với dịch bệnh.
Trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân F0, có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc giúp đỡ họ chữa bệnh thì tôi và các đồng nghiệp mang theo gạo, mỳ để hỗ trợ bà con không bị đói trong thời điểm giãn cách.
Điều trị F0 ở nhà khó hơn điều trị F0 ở khu cách ly bởi mình không thể giám sát bệnh nhân 24/24h. Nếu họ không có đồ ăn mà ra ngoài để mua thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Tổ của chúng tôi trong quá trình điều trị luôn cố gắng đảm bảo thuốc men, lương thực cho bệnh nhân.
Thời điểm giãn cách, có những trường hợp, gia đình có con nhỏ không thể đi mua bỉm, sữa được thì mình sẵn sàng đi mua hộ.
Khi mới bước chân vào đây, tôi nhận được điện thoại của một bạn tên là Hòa, làm công nhân, vợ bị nhiễm Covid, bản thân anh và con gái 4 tuổi của họ cũng bị nhiễm Covid-19. Nghe trong điện thoại, bạn ấy gọi điện nhờ tôi mua giúp đồ bởi em ấy không biết làm cách nào để mua sữa cho con. Ngay sau đó, tôi đã liên hệ với phường để cho gia đình họ vào khu cách ly. Lúc đầu bệnh nhân tỏ vẻ không đồng ý bởi con mới có 1 tháng tuổi nhưng sau đó gia đình họ vào đúng khu cách ly do tôi phụ trách nên thuận lợi để dễ bề chăm sóc.
Giờ đây, gia đình này đã qua cơn nguy kịch và khỏi bệnh. Mỗi lần xuống phường, đi qua nhà gia đình bệnh nhân, vợ chồng họ lại chạy ra cảm ơn. Nhìn ánh mắt chứa chan tình cảm của họ dành cho mình mà lòng tôi cảm thấy vui mừng vô cùng. Ở nơi này, mọi người đã coi tôi như người trong gia đình.
TP Thủ Đức lúc 0 giờ
Đêm nay, dẫu mệt mỏi vì một ngày quá nhiều công việc nhưng tôi không sao ngủ được bởi trong đầu miên man bao dòng suy nghĩ. Dịch bệnh bùng phát, chắc chắn rằng sẽ có những nỗi đau chia cắt, sự tan vỡ của một gia đình, của những đứa trẻ mồ côi vì mất bố, mất mẹ sẽ vẫn còn mãi và là di chứng của sự khốc liệt của dịch bệnh này.
Trong quá trình công tác tại đây, tôi đặc biệt chú ý đến Thảo-chàng thanh niên sinh năm 1992 mà có khi mới nhìn tôi nghĩ phải gần 40 bởi sự lam lũ, khắc khổ hiện trên gương mặt em. Thảo là công nhân sống tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức. Em lấy vợ hơn 4 tuổi, hai vợ chồng có một bé gái 4 tuổi và vợ đang mang thai em bé 7 tháng. Gia đình Thảo cũng như vô vàn gia đình công nhân di cư vào đây lập nghiệp.
Cuối tháng 8, cả nhà Thảo bị nhiễm Covid-19, chuyển vợ vào viện, Thảo chỉ kịp đưa vài bộ quần áo và nhắn nhủ câu “trăm sự nhờ cậy bác sĩ”.
Vợ Thảo nằm viện được 7 ngày nhưng do tình trạng quá xấu, mẹ khó thở, trở nặng nên bác sĩ quyết định mổ cứu con. Đứa trẻ sinh non, nặng có 1500gr, ngày bé chào đời cũng là ngày mẹ không còn nữa.
Thảo và con gái đầu bị dương tính phải đi cách ly. Nhìn con mới 4 tuổi, vẫn hồn nhiên chơi đùa mà chưa biết mẹ mất mà lòng tôi đau buốt vô cùng.
Nói chuyện với Thảo, tôi càng thấu hiểu hơn về sự khắc nghiệt của trận chiến này, nơi các bác sĩ như chúng tôi dù cố gắng hết sức nhưng đôi khi cũng đành bất lực. Rồi mai đây khi hai bố con trở về, cảnh “gà trống” nuôi hai đứa con nhỏ, trong đó có 1 em bé sinh non chắc chắn là vô vàn khó khăn mà chắc Thảo cũng chưa dám nghĩ tới.
Ngồi với Thảo, Tôi hỏi thế sau khi ở đây về em định thế nào? Thảo vân vê gấu áo nước mắt cứ trào ra. Những mất mát về tinh thần, tình cảm của hai đứa trẻ mồ côi mẹ, những khó khăn chắc có lẽ không có gì có thể bù đắp nổi.
Tôi tin rằng, một ngày không xa nữa thôi, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi và cuộc sống sẽ trở lại như trước đây. Với những bác sĩ, chiến sĩ quân y thì thời gian tình nguyện “chia lửa” cùng miền Nam yêu thương sẽ là quãng thời gian vất vả nhưng vô cùng ý nghĩa.
Trung tá, LÊ THỊ NGA, Bác sĩ chuyên khoa 2, Hệ 1, Học viện Quân y