Bước chân vào Trung tâm tôi mới thấy bệnh nhân Covid-19 đang điều trị thật “đa dạng”, nhiều độ tuổi nhưng điểm chung duy nhất của họ là nhiễm Covid-19 đi kèm nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường… Ở đây, chúng tôi làm việc theo ca, thời gian làm việc của chúng tôi là 8 tiếng 1 ngày sau đó sẽ về khu nhà lưu trú để nghỉ ngơi. Thời gian rảnh rỗi đó tôi cùng anh em đồng nghiệp trao đổi công việc, cùng rút ra những kinh nghiệm cho bản thân trong chăm sóc người bệnh, tích lũy thêm kinh nghiệm. Tôi cũng tranh thủ lên mạng tìm hiểu những kinh nghiệm chia sẻ của các bạn đồng nghiệp khi chăm sóc các người bệnh trong các đợt dịch trước đó để nâng cao kiến thức chuyên môn áp dụng vào chăm sóc người bệnh Covid-19.

Khi đã trải qua một tuần làm quen với công việc, tôi đã dần bắt nhịp được và mọi thứ dần trở nên trơn tru hơn, tôi cùng đã dần quen với bộ trang phục bảo hộ, không còn cảm thấy quá vướng víu, khó chịu như tuần đầu. Niềm vui của chúng tôi là mỗi ngày là chứng kiến bệnh nhân nặng tiến triển tốt lên, người khỏi bệnh được xuất viện cũng nhiều hơn. Số lượng bệnh nhân giảm dần, công việc của chúng tôi cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Để có được kết quả đó, theo tôi thấy nguyên nhân chính là nhờ người bệnh đã được tiêm đầy đủ vắc xin và phối hợp tốt với các nhân viên y tế trong việc điều trị bệnh.

Mặc dù ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội vẫn tăng, số lượng người đến Bệnh viện điều trị cũng tăng lên nhưng đa số đều ở thể nhẹ. Nhưng cũng có một số bệnh nhân lớn tuổi nhập viện, sức đề kháng đã suy giảm, mắc nhiều bệnh kèm theo, cần sự hỗ trợ trong các hoạt động sinh hoạt cá nhân, lại không có người nhà chăm sóc ở bên nên vai trò của điều dưỡng chúng tôi cũng trở nên quan trọng. Một quy trình chăm sóc bệnh nhân nặng với người điều dưỡng là cho bệnh nhân ăn, chăm sóc, bón cho bệnh nhân ăn, theo dõi bệnh nhân ăn. Sau đó là chăm sóc răng miệng, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân, đến làm thuốc, theo dõi sát sao lượng oxy trong máu và các chỉ số sinh tồn… Khi đó, chúng tôi vừa là người bạn, vừa thay người thân của họ trò chuyện, động viên, chăm sóc, hỗ trợ cho họ những nhu cầu cơ bản nhất để họ yên tâm điều trị tránh được cảm giác cô đơn.

leftcenterrightdel

Chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19. (NGỌC HÙNG)

Sang đến tuần thứ ba tôi làm ở Trung tâm, đây là thời điểm diễn ra một số ngày lễ lớn trong năm, do đó số ca mắc vẫn tiếp tăng nhanh, một vài người bệnh lớn tuổi, hoặc người bệnh có nhiều bệnh lý nên diễn biến nặng dần, số ca thở HFNC, thở máy tăng lên. Do đó chúng tôi được tăng cường thêm nhân lực. Kíp làm việc của chúng tôi đã được nâng lên từ 5 thành 8 người, thời gian làm việc cũng được giảm xuống 6 tiếng một ngày để đảm bảo sức khỏe. Công việc của chúng tôi cũng đã trở nên căng thẳng hơn, áp lực, vất vả nhiều hơn, cấp cứu tiếp đón rất nhiều ca mới nhập viện. Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nên nguy cơ dương tính của nhân viên y tế là rất cao, ai cũng lo lắng không biết ngày nào “đến lượt” mình. Chúng tôi sợ bị nhiễm Covid-19 thì công việc lại dồn lên những đồng nghiệp còn lại bởi chúng tôi thấu hiểu những vất vả, căng thẳng khi chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng bởi là bác sĩ chữa bệnh cứu người, không bác sĩ nào muốn bệnh nhân mình nặng thêm hay tử vong cả.

Công việc vẫn cứ thế tiếp tục, số người bệnh không ngừng ra tăng nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, áp lực ngày càng gia tăng. Số bệnh nặng chuyển biến rất nhanh đa số là những người bệnh lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền. Cao điểm có lúc chúng tôi có 6 người bệnh thở máy, lọc máu, 2 ca thở HFNC, rất nhiều người bệnh phải thở mask hỗ trợ. Có rất nhiều niềm vui khi chứng kiến người bệnh dần phục hồi được  xuất viện trở về nhà những cũng có vô vàn nỗi buồn khi chứng kiến người bệnh khi mình đã nỗ lực mà không thể cứu được họ. Trong trận chiến chống dịch đầy khốc liệt này, chắc chắn có những hy sinh, mất mát, những nỗi đau khó diễn tả thành lời, nhưng vượt qua tất cả, như lời Bộ trưởng Bộ Y tế từng gửi gắm trong bức thư gửi các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế: “Hơn ai hết, mỗi nhân viên y tế luôn ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ cao cả của mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh… Mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và ổn định phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.

MẠNH HÙNG (Khoa Hồi sức Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)