Đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp tinh thần yêu nước; tưởng nhớ, tri ân những đóng góp to lớn và sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh trong công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Đến dự lễ trao giải và chương trình Nghệ thuật có các đồng chí: Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam; Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Tô Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân-Trưởng ban Tổ chức; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và thủ đô Hà Nội; các tướng lĩnh, sĩ quan, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, các cựu chiến binh, đại biểu đại diện các tập thể, các tác giả đoạt giải Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ”.

Cuộc thi đậm tính nhân văn, chân thật và sáng tạo

Trước giờ diễn ra lễ trao giải cuộc thi, chúng tôi gặp bà Mai Thị Mão (phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội) tại tiền sảnh Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ. Bà Mão là nguyên mẫu trong câu chuyện “Người yêu đi tìm liệt sĩ” của tác giả Lê Thị Hồng Vân (Đà Nẵng), người đoạt giải nhất cuộc thi. Ở thành thị, không chân lấm tay bùn, nhưng vóc dáng bà Mão trông rất lam lũ, chất phác. Hành trình 11 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ của bà được nhiều người nể phục, kính trọng. Bà Mão tâm sự: “Ngày tìm được anh ấy, hài cốt lâu ngày không còn nguyên vẹn, nhưng may mắn vật chứng còn lại là chiếc thắt lưng có tên, tôi là người đầu tiên nhận ra… Ngày nhận giấy báo tử và tổ chức lễ truy điệu, tôi không khóc được, vậy mà khi đón hài cốt anh ấy về Bắc, nước mắt tôi cứ tuôn như mưa... Trước khi đưa anh ấy lên tàu, tôi đã mua 3 vé xe giường nằm, một vé cho mình, một vé cho em trai và… một vé cho anh ấy. Tôi muốn anh ấy trở về đàng hoàng, đĩnh đạc... Anh ấy xứng đáng như thế”.

leftcenterrightdel
Bô%3ḅ trưởng Bô%3ḅ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cùng Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiê%3ḅm Tổng cục Chính trị trao giải nhất và tặng hoa chúc mừng tác giả. Ảnh: Nguyễn Tuấn Huy
Hồi hộp chờ đợi giây phút lên nhận giải thưởng, tác giả Hoàng Xuân Lan (Hà Nội) không giấu nổi cảm xúc: “Tôi tham gia cuộc thi tìm hiểu bằng tất cả lòng biết ơn và sự kính trọng những người đã ngã xuống cho nước nhà độc lập, cho tôi và nhiều người được sống trong tự do, hòa bình. Bài viết “Nhớ về anh người chiến sĩ biên cương” tôi viết về anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng. Khi anh Yểng hy sinh, tôi còn rất nhỏ, nhưng hình ảnh về người chiến sĩ hiến dâng cả tuổi thanh xuân và anh dũng hy sinh vẫn vẹn nguyên, tròn đầy. Trong buổi lễ trao giải này, tôi rất mong được gặp lại đồng đội của anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng để nói lời cảm ơn. Ngay cả bây giờ, các anh-những người lính Cụ Hồ vẫn hằng ngày thầm lặng hy sinh về đời tư và lợi ích riêng, đôi khi là cả tính mạng để giữ vững biên cương, chủ quyền Tổ quốc …”.

Đúng 20 giờ, khán phòng của Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ bừng sáng. Liên khúc hát múa: “Đoàn vệ Quốc quân”, “Bài ca Trường Sơn” và “Tổ quốc yêu thương”, với sự thể hiện của các nam nữ diễn viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tạo không khí trang trọng, phấn khởi của Lễ trao giải và Chương trình Nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa”.

Theo đánh giá của Ban tổ chức (BTC), Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày TB-LS" đã trải qua 24 kỳ thi, BTC đã nhận được gần 60.000 bài tham dự. Đối tượng dự thi phong phú, đa dạng với sự tham gia của nhiều tập thể, cá nhân, cơ quan, trường học, đơn vị trong và ngoài quân đội... Đặc biệt, có nhiều gia đình 3 thế hệ cùng tham gia.

BTC cũng nhận được nhiều thông tin có giá trị cung cấp về nơi an táng liệt sĩ; phần mộ liệt sĩ; phần mộ liệt sĩ khác quê an táng tại địa phương; phần mộ liệt sĩ mà thân nhân liệt sĩ chưa biết. Từ những thông tin về liệt sĩ, phần mộ liệt sĩ mà các tác giả cung cấp giúp BTC cuộc thi phối hợp với các cơ quan chức năng trong tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (TKQT HCLS). Qua 24 kỳ thi, BTC nhận được hơn 600 thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và có nhiều phản hồi tích cực.

Trong không gian trang trọng của Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, BTC đã trao giải thưởng tặng 2 tập thể xuất sắc nhất (Trường Sĩ quan Lục quân 1; Học viện Báo chí và Tuyên truyền); trao giải nhất tặng tác giả Lê Thị Hồng Vân (TP Đà Nẵng); giải Nhì tặng 2 tác giả: Quách Hoàng Sơn (Trường Sĩ quan Chính trị) và Hoàng Xuân Lan (Hà Nội); 3 giải ba tặng các tác giả: Nguyễn Công Khanh (Quân khu 9), Nguyễn Lâm Ngọc Trân (Tiền Giang) và Lê Reo (Thanh Hóa).

leftcenterrightdel
Bô%3ḅ trưởng Bô%3ḅ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cùng Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiê%3ḅm Tổng cục Chính trị trao giải nhất và chụp ảnh lưu niê%3ḅm với các tâ%3ḅp thể, cá nhân đoạt giải. Ảnh: Nguyễn Tuấn Huy. 
Trong gần 60.000 bài dự thi gửi về BTC, các tác giả đã giới thiệu được nhiều tấm gương, những câu chuyện cảm động, có thật về người có công (NCC). Ông Nguyễn Văn Thọ ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, dù đã 83 tuổi nhưng chưa kỳ thi nào mà ông cùng con, cháu không có bài tham gia. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thọ nói: “Tôi tham gia cuộc thi không phải để lấy giải thưởng, mà quan trọng hơn là truyền cho con cháu ý thức, tinh thần học tập, tìm hiểu và trân trọng truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự hy sinh anh dũng của đồng bào và chiến sĩ cả nước”.

Điều có ý nghĩa đặc biệt là bài viết của các tác giả tham gia cuộc thi, nhất là các cựu chiến binh không chỉ thể hiện tình cảm, sự trân quý đặc biệt đối với NCC mà còn đầy ắp những kỷ niệm, những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh mà mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT, mỗi người dân nước Việt từng phải gánh chịu và vượt qua. Nhiều bài viết thể hiện rõ phẩm chất anh hùng, nghị lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, với quyết tâm: Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân-Trưởng BTC cuộc thi khẳng định: “Cuộc thi tìm hiểu "70 năm Ngày TB-LS" đã tạo sự lan tỏa tốt trong đời sống xã hội. Thông qua cuộc thi, góp phần tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kết quả thực hiện công tác chăm lo NCC. Cuộc thi cũng góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người về vị trí, ý nghĩa, giá trị nhân văn của công tác chăm lo NCC với cách mạng; biểu dương, nhân rộng những tấm lòng bác ái của mỗi tập thể, cá nhân và toàn xã hội dành cho NCC với cách mạng”.

Trân trọng công lao to lớn của NCC

Mỗi lời ca, điệu múa trong Chương trình nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” đều thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính những NCC với cách mạng. Và người xem đã rưng rưng xúc động khi được chứng kiến những hình ảnh, những nghĩa cử cao đẹp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân qua phóng sự truyền hình “Ấm tình đồng đội”.

Từ truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày  trong năm làm "Ngày Thương binh toàn quốc", để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh-những NCC với cách mạng và đất nước. Kể từ năm 1947, ngày 27-7 hằng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

leftcenterrightdel
Ca sĩ Trọng Tấn với tác phẩm "Đường chúng ta đi" và màn múa phụ họa do các diễn viên Trường Đại học Văn hóa-Nghê%3ḅ thuâ%3ḅt Quân đô%3ḅi trình diễn, khép lại chương trình nghê%3ḅ thuâ%3ḅt. Ảnh: Tuấn Huy.  
Đến nay, chính sách ưu đãi NCC đã được áp dụng để chăm lo cho gần 9 triệu người, đó là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ… Hằng năm, ngân sách Trung ương đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện trợ cấp ưu đãi NCC. Ngoài ra, Nhà nước còn có các chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, miễn giảm thuế, ưu tiên giao đất sản xuất, cải thiện nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khoẻ, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách…

Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân đã tự nguyện vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, "Tổ thương binh tình nghĩa", "Xã phường làm tốt công tác chăm sóc NCC"... đã mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực. Công tác tìm kiếm, quy tập (TKQT) HCLS, giám định ADN để xác định danh tính cũng được coi trọng. Từ đây, hàng chục nghìn liệt sĩ đã được trở về quê hương, trong vòng tay yêu thương và chờ đợi của người thân.

Với trách nhiệm và tình cảm sâu sắc đối với NCC, thời gian qua, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng đã đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện nhiều chủ chương chính sách lớn đối với NCC; tích cực TKQT  HCLS; giải quyết các chế độ chính sách tồn đọng sau chiến tranh; thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Từ năm 2011 đến nay, các đội TKQT HCLS đã khắc phục khó khăn, gian khổ, tích cực TKQT được gần 10.000 HCLS Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại chiến trường Lào và Cam-pu-chia về nước; xây dựng được gần 7.000 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội với số tiền gần 450 tỷ đồng; toàn quân phụng dưỡng 1.776 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tiếp nhận, bố trí việc làm cho hơn 300 con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng thương binh; hỗ trợ trang thiết bị cho các trung tâm chăm sóc điều dưỡng thương binh nặng với số tiền trên 70 tỷ đồng… 

leftcenterrightdel
Các đại biểu, khách quý cùng Ban tổ chức tặng hoa các đơn vị, cá nhân đồng hành cùng chương trình. Ảnh: Tuấn Huy. 
Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cho biết: “Kỷ niệm 70 năm Ngày TB-LS, năm nay, Bộ Quốc phòng phát động chương trình xây dựng 500 nhà tình nghĩa, 200 nhà đồng đội cùng nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc NCC... Điều đáng mừng là đến thời điểm này, số nhà tình nghĩa, nhà đồng đội đã vượt nhiều so với dự kiến. Toàn quân đã xây dựng được hơn 1.120 nhà tình nghĩa. Con số này vẫn còn tiếp tục tăng lên, nhờ tình cảm, trách nhiệm tri ân NCC và tình yêu thương, chia sẻ với đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ toàn quân”.

Đã có nhiều câu chuyện cảm động về nghĩa tình đồng đội, về những tấm lòng thơm thảo, về sự tri ân. Tình cảm ấy giúp lau khô một phần những giọt nước mắt trên gương mặt của những người mẹ, người vợ. Những món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình yêu thương trân trọng, biết ơn của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, của các mẹ, các chị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian qua, Báo Quân đội nhân dân không chỉ tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho NCC mà còn đồng hành trong nhiều chương trình tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày TB-LS, Báo Quân đội nhân dân rất vinh dự được làm cầu nối giữa những tấm lòng hảo tâm, các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân với các đối tượng NCC. Đến nay, tổng giá trị quà tặng ủng hộ đã lên tới 7 tỷ đồng. Ngay sau khi chương trình nghệ thuật kết thúc, Báo Quân đội nhân dân sẽ chuyển những món quà của các nhà hảo tâm tới tận tay các gia đình NCC tại các địa phương từ Hà Nội đến Quảng Trị trong suốt hành trình Cuộc đua xe đạp “Về Trường Sơn-2017, Cúp Báo Quân đội nhân dân”.

Lễ trao giải Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày TB-LS” và Chương trình Nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” khép lại trong sự đón nhận nồng nhiệt của các tầng lớp nhân dân tại khán phòng và qua truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Truyền thống yêu nước và đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" thêm một lần lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và thêm trân trọng những công lao to lớn của NCC, biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cách mạng thiết thực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

TRỊNH DŨNG