Bài hát hào hùng đưa người xem lật giở lại miền ký ức xưa và gợi những nỗi niềm tháng Bảy-tháng của sự tri ân, của sự tưởng nhớ về quá khứ oanh liệt của dân tộc…

Cuộc thi sâu nặng ân tình

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/ 27-7-2017), phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với nước, từ thành công của Chương trình nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” lần thứ nhất, được tổ chức vào tháng 7-2016, tối 14-7, tại Hà Nội, Báo QĐND phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức Chương trình nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” lần thứ hai. Đến dự chương trình có các đồng chí: Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Tô Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ”...

leftcenterrightdel
 Tiết mục hát múa "Tổ quốc yêu thương".
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã tiến hành Lễ trao giải Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ”. Cuộc thi do Báo QĐND phối hợp với Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức, được phát động từ ngày 25-7-2016 và kết thúc vào ngày 2-7-2017, với 24 kỳ thi. Cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trả lời trắc nghiệm kết hợp với thể hiện cảm xúc thông qua những bài viết ngắn, gọn, cô đọng, được đăng tải trên Báo QĐND Điện tử và Báo QĐND hằng ngày.

Vinh dự đạt giải nhất cá nhân với bài dự thi xúc động “Chuyện đi tìm người yêu liệt sĩ”, tác giả Lê Thị Hồng Vân (số nhà 78B, đường Duy Tân, TP Đà Nẵng) chinh phục người đọc bằng lối viết giản dị. "Khi được hỏi tại sao phải mua 3 vé rồi bỏ trống một giường khi hài cốt chỉ nằm gọn trong ba lô ôm trong tay, bà Mão trầm ngâm, gạt dòng nước mắt: “Chúng tôi muốn anh ấy về nhà như một người lính. Các anh ở tỉnh Thái Bình nói rằng tôi là trường hợp thứ 2 người yêu đi tìm liệt sĩ và tìm thành công. Nhưng ai ở hoàn cảnh của tôi thì đều vậy thôi”", đây là đoạn văn trong bài viết của tác giả Lê Thị Hồng Vân về nhân vật Mai Thị Mão-người phụ nữ đã dành trọn cả tuổi thanh xuân để đợi chờ người yêu nơi chiến trường. Và giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, người con gái ngày nào không còn “đôi má hồng” nữa nhưng trái tim yêu chân thành vẫn một lòng sắt son, rực lửa. Bà đã dành trọn cuộc đời mình để đi tìm ông, người liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại mặt trận phía Nam. Và may mắn, “trời không phụ lòng người”, cuối cùng, tình yêu cách trở của ông bà đã được đoàn tụ.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trao giải nhất cá nhân Cuộc thi tìm hiểu "70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ" cho tác giả Lê Thị Hồng Vân. 
Để có được bài viết giản dị mà xúc động này, chị Lê Thị Hồng Vân đã thực hiện một hành trình dài, khi quyết định gặp trực tiếp bà Mai Thị Mão, tại Hà Nội, cùng nghe bà trò chuyện, tâm sự trong nhiều đêm để thấu hiểu nỗi lòng người phụ nữ nhỏ bé nhưng có tình yêu mãnh liệt. Chị Vân cũng tâm sự, là một độc giả trung thành của Báo QĐND, chị đặc biệt quan tâm đến Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” và nhận thấy cuộc thi thật “tuyệt vời” khi đã thu hút được sự tương tác đông đảo của độc giả trong cả nước. Và từ cuộc thi này, nhiều thông tin về mộ liệt sĩ đã được cung cấp, nhiều câu chuyện hay, cảm động về cuộc sống của thương, bệnh binh, người có công trên mặt trận chiến thắng cái đói, cái nghèo được kể lại, nhiều gương người tốt-việc tốt trong chăm lo người có công được nêu ra để xã hội ghi nhận và học tập.

Không chỉ tích cực tham gia cuộc thi, ông Nguyễn Văn Thọ (83 tuổi) ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang còn động viên các con, các cháu mình cùng tham gia thi. Với suy nghĩ tham gia cuộc thi không phải để lấy giải thưởng, mà quan trọng hơn là truyền cho con cháu ý thức và tinh thần học tập, tìm hiểu, kỳ thi nào, ba bố con, ông cháu ông Nguyễn Văn Thọ cũng đều tham gia. Đáp lại tấm lòng tâm huyết ấy, cháu Nguyễn Lâm Ngọc Trân (học sinh lớp 8, Trường THCS thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), cháu ông Nguyễn Văn Thọ đã xuất sắc giành giải nhất kỳ 8 và giải ba cuộc thi với bài viết “Chăm sóc để tỏ lòng tri ân”. “Có lẽ với sự hiểu biết của con, không biết khi nào thì con mới có được bài cảm nhận sâu sắc và hay như của các cô chú, các bác, ông bà… Tuy nhiên, nhỏ tuổi hiểu theo nhỏ tuổi, viết theo trình độ và sự hiểu biết của con, bên cạnh con còn có cha và ông nội chỉ bảo cho con nhớ thêm. Thứ nhất, chăm sóc người có công là để tỏ lòng tri ân, vì sự đóng góp của họ cho quê hương, đất nước. Thứ hai, tạo sự gần gũi, chăm sóc của chính quyền địa phương với họ…”. Nhiều độc giả khi đọc bài viết của bé Trân đã tự soi lại bản thân về trách nhiệm chăm lo người có công của mỗi người.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu "70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ và nhà báo Hà Đăng trao giải nhì cá nhân cho hai tác giả: Hoàng Xuân Lan và Quách Hoàng Sơn.
leftcenterrightdel

Đồng chí Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó tổng biên tập Báo QĐND trao giải ba cá nhân cho tác giả Lê Reo và Nguyễn Công Khanh.

Theo Ban tổ chức, bình quân mỗi kỳ thi, Ban tổ chức nhận được hơn 2.000 bài tham gia, với chất lượng khá đồng đều. Nhiều địa phương, đơn vị, hội, đoàn thể còn coi đây là một nhiệm vụ chính trị, một dịp học tập, nâng cao nhận thức, giúp mỗi người hiểu và nắm vững hơn các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với công tác chính sách và hậu phương quân đội. "Tham gia cuộc thi là nhiệm vụ chính trị", là khẳng định của lãnh đạo, chỉ huy nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương.

Một trong những đơn vị tham gia cuộc thi sớm, nhiệt tình và hiệu quả nhất là Trường Sĩ quan Lục quân 1 (SQLQ1). Thông qua 24 kỳ của cuộc thi, cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ Trường SQLQ1 bình quân mỗi kỳ có từ 1.000 đến 1.200 bài tham gia. Các bài dự thi của cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ Trường SQLQ1 đều có chất lượng tốt. Đặc biệt, ở câu hỏi thứ 4 (câu hỏi tự luận) các tác giả thể hiện rõ tình cảm của mình đối với thương binh, liệt sĩ, người có công bằng lối viết cô đọng, giàu tình cảm. Nói về giá trị, ý nghĩa của cuộc thi, tại phóng sự “Nhìn lại Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” do Báo QĐND thực hiện, Thiếu tướng Lê Viết Anh, Phó chính ủy Trường SQLQ1 cho biết: “Để động viên lôi cuốn được đông đảo các đối tượng tham gia, nhà trường đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của cuộc thi, xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Tham gia Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” là một nội dung thi đua. Mỗi bài dự thi là một nén hương thơm để tri ân các anh hùng, liệt sĩ”. Với tinh thần tham gia nhiệt huyết ấy, Trường SQLQ1 đã vinh dự là một trong hai tập thể xuất sắc nhất tại cuộc thi.

leftcenterrightdel

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và ông Tô Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam trao giải cho hai tập thể xuất sắc tại cuộc thi là Trường SQLQ1 và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” còn có một ý nghĩa đặc biệt, khi từ cuộc thi, Ban tổ chức nhận được hơn 600 thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; phần mộ liệt sĩ khác quê đang được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ các địa phương. Thông qua thẩm định, các thông tin liên quan đến liệt sĩ, mộ liệt sĩ mà mỗi tác giả cung cấp, gửi đến cuộc thi đều bảo đảm tính chính xác. Cựu chiến binh Lê Reo (xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), tác giả đoạt giải ba cuộc thi tâm sự, không chỉ riêng ông, mà những cựu chiến binh có may mắn đi qua cuộc chiến còn trở về đều đau đáu một nỗi niềm về những đồng đội còn nằm lại. Những năm qua, ông cùng đồng đội đã nhiều lần thăm hỏi, tìm hiểu các thông tin về phần mộ liệt sĩ, danh tính liệt sĩ để cung cấp cho các cơ quan chức năng. Người cựu chiến binh gửi lời cảm ơn đến Cuộc thi tìm hiểu "70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ", vì nhờ cuộc thi này, không chỉ ông mà nhiều đồng đội của ông hay các cá nhân khác đã cung cấp được những thông tin hữu ích về phần mộ liệt sĩ, danh tính liệt sĩ để "giấc mơ trở về với đất Mẹ" của các anh sớm trở thành hiện thực.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự chương trình.
Từ những hiệu ứng tạo được, Cuộc thi tìm hiểu "70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ" thực sự là một cuộc thi sâu nặng ân tình!

Lắng đọng cảm xúc tháng Bảy

Sau Lễ trao giải Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ”, Chương trình nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” trở lại với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu theo ba chủ đề: Dáng đứng Việt Nam, Ấm tình đồng độiMẹ đã có cả nước non. Tham gia thể hiện các tiết mục nghệ thuật là các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như: Anh Thơ, Trọng Tấn, Tấn Minh, Phạm Phương Thảo…

Những bài hát theo từng chủ đề đưa người xem về lại với quá khứ hào hùng. Chủ đề “Dáng đứng Việt Nam” với các ca khúc: Lời người ra đi, Đất nước, Dáng đứng Việt Nam, Những cánh chim Hồng Gấm là những bản anh hùng ca, phác họa nên một thời kỳ “cả dân tộc hành quân ra trận”. “Ôi Tổ quốc! tha thiết ta mến yêu/ Khắc ghi lời thề ước trong tim, sớm sớm chiều chiều/ Niềm hạnh phúc trong đấu tranh/ Nở hoa muôn sắc diệu kỳ”, lời bài hát “Những cánh chim Hồng Gấm” của nhạc sĩ Phạm Tuyên ngân nga cũng là lời muốn nói của biết bao người con đất Việt trong những năm tháng máu lửa.

leftcenterrightdel
 Các tiết mục nghệ thuật tại chương trình được dàn dựng công phu.
Hòa bình có được từ máu nên việc chia sẻ, giúp đỡ các gia đình, đối tượng chính sách sao cho ân nghĩa được vẹn tròn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi chúng ta trong thời đại hôm nay. Phóng sự “Vẹn tròn ân nghĩa” của Báo QĐND đã khắc họa rõ nét công tác Đền ơn đáp nghĩa của toàn xã hội trong thời gian qua đối với người có công. Theo đó, công tác Đền ơn đáp nghĩa được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương trong cả nước thực hiện bằng nhiều hình thức như xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 100% các đơn vị trong toàn quân đã xây dựng kế hoạch cụ thể với các phong trào như: “Mái ấm tình thương”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Nghĩa tình đồng đội”  và nhiều hoạt động khác…

“Có một bài ca không bao giờ quên/ là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên/ Có một bài ca không bao giờ quên/ là lời mẹ ru con đêm đêm” (Bài ca không quên-Phạm Minh Tuấn), trong chiến tranh, có hàng vạn những người mẹ huyền thoại đã sống một cuộc đời giản dị mà can trường. Phần cuối Chương trình giao lưu nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” dành tri ân những người mẹ Anh hùng qua những ca khúc bất hủ trong chủ đề “Mẹ đã có cả nước non”.

leftcenterrightdel
 Ban tổ chức tặng hoa các đơn vị đồng hành và tài trợ chương trình.
Ban tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” lần thứ hai cũng đã cùng các cơ quan đơn vị, tập thể, cá nhân quyên góp gần 7 tỷ đồng phục vụ hoạt động tri ân. Theo Ban tổ chức, ngay sau khi chương trình nghệ thuật kết thúc, hoạt động tri ân sẽ đến với từng gia đình chính sách, người có công tại các địa phương từ Hà Nội đến Quảng Trị thông qua hành trình Cuộc đua xe đạp “Về Trường Sơn-2017, Cúp Báo QĐND”. Cuộc đua sẽ được khai mạc vào sáng 15-7.

Với thời lượng lên sóng gói gọn trong 90 phút, Chương trình nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” lần thứ hai do Báo QĐND phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, các nhà tài trợ tổ chức đã đưa người xem đi đến tận cùng của cảm xúc về một tháng Bảy linh thiêng mà sau cùng, xúc cảm còn đọng lại rõ nhất có lẽ là niềm tin yêu. Niềm tin yêu của thế hệ trẻ đối với quá khứ hào hùng của dân tộc, niềm tin yêu của những con người đã dành trọn tuổi thanh xuân cho đất nước với chính cuộc sống hiện tại, niềm tin yêu của những người đang đau đáu nỗi niềm đưa hài cốt của đồng đội mình trở với quê hương… Bao niềm tin yêu ấy cùng thắp sáng lên ngọn lửa về một “đất nước vẹn tròn ân nghĩa”.

Danh sách các tập thể và cá nhân đạt giải Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ”

Trao giải tặng 2 tập thể xuất sắc nhất: Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Về cá nhân: Trao 1 giải nhất cho tác giả Lê Thị Hồng Vân (số nhà 78B, đường Duy Tân, TP Đà Nẵng); 2 giải nhì cho các tác giả: Quách Hoàng Sơn (Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trường Sĩ quan Chính trị) và Hoàng Xuân Lan (P125, Tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam, số 194 đường Giải Phóng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội); 3 giải ba tặng các tác giả: Nguyễn Công Khanh (Đại đội 32, Tiểu đoàn 557, Lữ đoàn 950, Quân khu 9); Nguyễn Lâm Ngọc Trân (học sinh lớp 8, Trường THCS thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) và cựu chiến binh Lê Reo (xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 16 giải khuyến khích; trao 1 giải tặng tác giả Nguyễn Đình Thành (Đồn Biên phòng Gành Dầu, Phú Quốc, Kiên Giang), có bài tự luận xuất sắc nhất năm. Ban Tổ chức cũng trao thưởng 2 tác giả là cựu chiến binh đã cao tuổi tích cực tham gia cuộc thi, là: Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Cầu (Tổ dân phố Chùa Hạ, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) và cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Đức Hà (số nhà 2, đường Nguyễn Huệ, Khu dân cư Nguyễn Trãi 1, phường Sao Đỏ, Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).


Chương trình nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” lần thứ 2 do Báo QĐND phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, các nhà tài trợ tổ chức. Ban tổ chức xin gửi lời cảm ơn tới các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân đã đồng hành cùng chương trình.

- Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)

- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

- Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS)

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

- Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPOWER)

- Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank)

 

Bài, ảnh: HỒNG THỦY-VIỆT CƯỜNG