Nhiều người dừng lại rất lâu trước hiện vật mang tên “Chiếc bình hoa của Anh hùng Võ Thiết”. Từ xác máy bay Mỹ, nhân dân huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã chế tạo nên những bình hoa chạm khắc tinh xảo để tặng các đại biểu về thăm vùng giải phóng năm 1973. Đồng chí Võ Thiết, Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Pháp, Chỉ huy trưởng Đặc khu Vĩnh Linh (các năm 1972-1974) là một trong những người được nhân dân yêu mến tặng ông món quà đặc biệt ấy. Ông gìn giữ và trao tặng lại Bảo tàng Quân khu 4. Chăm chú ngắm nghía chiếc bình hoa mộc mạc, đoàn viên thanh niên Nguyễn Văn Phúc (xã Nghi Ân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) xúc động nói: “Không ai nghĩ từ vũ khí hủy diệt của kẻ thù mà nhân dân Vĩnh Linh lại tạo ra những vật dụng thiết thực phục vụ sinh hoạt. Chiếc bình hoa ấy không đơn thuần là một vật dụng sinh hoạt mà nó còn là biểu tượng cho tinh thần lạc quan, phẩm chất sáng tạo, yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam”.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đến xem triển lãm. 
Cựu chiến binh Nguyễn Trường Tộ (khối 9, phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) nguyên là chiến sĩ quân y trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến dự triển lãm và mang theo chiếc nhiệt kế nhỏ để tặng Bảo tàng Quân khu 4. Ngày 29-5-1968, trong một trận càn không cân sức tại chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế, bác sĩ quân y Nguyễn Trường Tộ không may rơi vào tay giặc và bị giam ở nhà tù Non Nước. Không khai thác được gì, địch chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc. Trong những năm tù đày tại nhà tù Phú Quốc, chiếc nhiệt kế được ông cất giấu đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe của tù binh, chiến sĩ cách mạng khi ốm đau, bị đòn ron, tra tấn của địch. Mân mê kỷ vật trên tay rồi giao lại cho cán bộ bảo tàng cất giữ, đôi mắt của người chiến sĩ từng vào sinh ra tử chực trào những giọt lệ. Ông nói: “Mỗi kỷ vật thời chiến đều có những câu chuyện về sự hy sinh, mất mát nhưng cũng đầy khí tiết anh dũng của các chiến sĩ cách mạng. Tôi mong rằng, kỷ vật này sẽ giúp các thế hệ sau hiểu thêm về những năm tháng đất nước chìm trong đạn lửa để từ đó thấm thía sâu sắc hơn giá trị của hòa bình, tự do”.

Cảm động hơn khi tại triển lãm, gia đình liệt sĩ Phan Huy Chương (quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đã tặng lại bức thư mà liệt sĩ gửi cho vợ. Trong một trận chiến, liệt sĩ Phan Huy Chương bị thương, vợ anh biết tin đã vô cùng lo lắng nên anh gửi thư về động viên vợ. Bức thư được viết vào ngày 31-3-1965, có đoạn: “Em yêu, nghe tin anh bị thương, anh biết thế nào em cũng lo lắng, khóc lóc và bồn chồn, mong được gặp lại anh ngay. Đừng em ạ! Anh biết em dũng cảm lắm! Lấy anh bộ đội phải xác định rằng mình phải đảm nhiệm tất cả cho chồng đi đánh giặc… Em nghe anh cố gắng lên nhé!”. Những dòng thư tay úa màu thời gian, đầy yêu thương của liệt sĩ Phan Huy Chương gửi vợ đã được người con gái của liệt sĩ là chị Phan Tố Lan gửi tặng lại Bảo tàng Quân khu 4.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ