Với các nhà lãnh đạo đất nước Triệu voi từng có dịp gặp gỡ Người, sự đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quan hệ Việt Nam-Lào chính là một trong những biểu hiện sinh động cho sự mẫu mực ấy.
“Người thầy vĩ đại”
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, núi liền núi, sông liền sông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Công. Như một lẽ tự nhiên, nhân dân hai nước đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ lâu đời. “Bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi” trở thành hình tượng bất tử, ngợi ca tình hữu nghị cao đẹp, chia sẻ sâu sắc cả về vật chất lẫn tinh thần mà nhân dân hai nước đã dành cho nhau trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập, tự do. Cùng với Hoàng thân Souphanouvong, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nền móng, vun đắp cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt-Lào trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trên thế giới.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại Hà Nội năm 1966. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào, xem “giúp bạn là tự giúp mình” và “thắng lợi của nhân dân Lào cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam”. Với Chủ tịch Kaysone Phomvihane, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần. Tất cả các lần gặp gỡ đều rất thân thiết, chân thành, trên tình cảm đồng chí thủy chung và lòng kính trọng sâu sắc.
“Người thầy vĩ đại đã tận tình dạy bảo, rèn luyện, xây dựng và truyền lại cho tôi những kinh nghiệm phong phú”. "Người thầy vĩ đại" ấy đã luôn căn dặn Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các đồng chí Lào rằng “sự nghiệp cách mạng Lào là của nhân dân Lào”, phải “nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường” vì có như vậy “cách mạng mới phát triển nhanh chóng, đoàn kết quốc tế mới vững chắc”. “Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi. Từ ngày cách mạng Lào còn trứng nước cho đến lúc đã trưởng thành, Bác Hồ luôn luôn quan tâm dẫn đường chỉ lối”, Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng phát biểu như vậy. Cũng vì lẽ đó mà nhà lãnh đạo Lào “suốt đời nhớ ơn công lao trời biển của Người”.
Tác giả của “đoàn kết đặc biệt Việt - Lào”
Trong khi đó, Hoàng thân Souphanouvong nhiều lần kể lại rằng, cuộc tiếp kiến lần đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “giúp tôi khẳng định dứt khoát phải theo đuổi sự nghiệp cách mạng, đến với Đảng Cộng sản và dấn thân vào công cuộc chiến đấu cứu dân, cứu nước Lào”.
Năm 1987, khi Việt Nam và Lào mới bước vào thời kỳ đổi mới, trước ý kiến gợi ý thay cụm từ “đoàn kết đặc biệt Việt-Lào” bằng cụm từ “đoàn kết truyền thống” như với một số nước khác, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã hỏi: “Các đồng chí có biết danh từ “đoàn kết đặc biệt” do đâu mà có và có từ bao giờ không? Nó đặc biệt ở nội dung gì không?”. Không đợi câu trả lời, Chủ tịch Kaysone Phomvihane khẳng định, “đoàn kết đặc biệt” không phải do ông hay ai khác mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ra. Chuyện là, trong một buổi làm việc thân tình tại Hà Nội, khi thảo luận về mối quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước và giữa nhân dân hai nước, “Bác Hồ và chúng tôi đều thấy rằng, ngoài mối quan hệ giữa hai Đảng cùng chung lý tưởng cộng sản, giữa hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, mối quan hệ giữa hai Đảng và nhân dân hai nước chúng ta còn có sự gắn bó thân thiết không giống bất cứ nước nào”. “Bác Hồ và chúng tôi cùng suy nghĩ. Bác Hồ gõ tay lên trán rồi nói: “Chúng ta phải gọi là quan hệ đặc biệt”. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Bác vì đó là sự thật lịch sử”, Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng chia sẻ.
VĨNH AN (tổng hợp)