Vũ Thị Sen chính là kình ngư được phát hiện, khổ luyện thành tài từ phong trào thể thao cơ sở ở địa phương bơi điểm số 1 Việt Nam thời kỳ chống Mỹ - xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Bắt đầu tập luyện từ năm 1960 tại hồ bơi hết sức đơn giản, Vũ Thị Sen nhanh chóng cho thấy tố chất hiếm có, liên tục tạo ra những bước đột phá trên “đường đua xanh”. Dáng người gầy gò nhưng mỗi khi xuống nước, Vũ Thị Sen liên tục biết cách tỏa sáng bằng những tấm huy chương vàng (HCV) tại các cuộc thi đấu trong nước và quốc tế.
 |
Vũ Thị Sen và các tuyển thủ vinh dự được chụp ảnh kỷ niệm cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu. |
Năm 1965, khi mới 17 tuổi, Vũ Thị Sen đã không có đối thủ trên “đường đua xanh” ở miền Bắc. Những năm tháng khổ luyện cùng ý chí thi đấu tuyệt vời, niềm tự hào dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh để Vũ Thị Sen chinh phục hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác. Ngoan, giỏi, yêu đời, người hâm mộ những năm 60 thế kỷ trước nhớ về Vũ Thị Sen như vậy. Thời thi đấu, Vũ Thị Sen đoạt nhiều HCV nhưng nhớ về một thời không thể nào quên, cựu tuyển thủ quốc gia này tâm sự: “Đời tôi có hai khoảnh khắc vàng, đó là hai lần được gặp Bác. Đặc biệt vào lần thứ hai, tôi vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và còn được chụp ảnh chung với Người”.
Tháng 11-1965, lần thứ nhất Vũ Thị Sen được gặp Bác Hồ. Khi đó, kình ngư 17 tuổi Vũ Thị Sen được tham gia cùng đoàn VĐV bơi, bóng bàn Trung Quốc đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp đoàn sang Việt Nam du đấu. Đặc biệt hơn, lần thứ hai vào chiều 19-12-1966, không lâu sau khi tuyển thủ Vũ Thị Sen giành 1 HCV, 1 HCB tại Đại hội thể thao các nước mới trỗi dậy (Ganefo). Bữa đó, tuyển thủ Vũ Thị Sen cùng các tuyển thủ xuất sắc khác là: Xạ thủ Trần Oanh, xạ thủ Nguyễn Mạnh Hùng và VĐV điền kinh Trần Hữu Chỉ được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch.
Nhớ lại kỷ niệm được dùng cơm cùng Bác, bà Vũ Thị Sen không cầm được nước mắt. Bà bảo: “Hồi đó các anh Trần Oanh, Mạnh Hùng, Hữu Chỉ đã nhường tôi vinh dự được ngồi ăn cơm gần Người. Bữa cơm đó cả đời tôi không bao giờ quên. Vừa dùng cơm cùng chúng tôi, Bác Hồ vừa ân cần hỏi chuyện tôi giành được 2 huy chương ở Ganefo như thế nào… Người dặn chúng tôi: “Hoạt động, phát triển thể thao cũng chính là một công tác cách mạng”.
Lặng người một lúc vì xúc động khi nhớ về kỷ niệm với Bác Hồ, bà Vũ Thị Sen nói: “Khi chúng tôi được trao Huy hiệu Bác Hồ, gần như ai nấy đều cố kìm nước mắt. Tôi vẫn luôn nhớ lời Người dặn: “Phải luôn mang tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản” vào trong thi đấu, học tập”.
Sau đó, bức ảnh các tuyển thủ: Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Hữu Chỉ, Vũ Thị Sen chụp lưu niệm cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trở thành kỷ vật quý giá của thể thao Việt Nam, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Olympic Việt Nam.
Sau này, dù trên cương vị nào, bà Vũ Thị Sen cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà bảo: “Được gặp Bác, nghe theo những lời chỉ dạy của Bác là may mắn của đời tôi. Vì thế, khi thi đấu hay công tác ở đâu, trên cương vị nào, tôi luôn khắc ghi lời Bác dặn để ra sức phấn đấu”.
VIỆT CƯỜNG