Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn (Trường Sa, Khánh Hòa) hòa chung tiếng hát mừng sinh nhật đồng đội.

Có người nói, những ca khúc như: “Lên đàng” (Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng), “Chiếc gậy Trường Sơn” (Phạm Tuyên), “Tự nguyện” (Trương Quốc Khánh)… có sức mạnh tương đương một binh đoàn, tạo ra phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Những người trẻ sinh ra sau chiến tranh như chúng tôi khi nghe những ca khúc cách mạng thấy hay cả ca từ lẫn giai điệu, nhưng không phải là nhân chứng thời đại nên chưa hiểu được sức lan tỏa của những ca khúc nổi tiếng năm xưa. Trò chuyện với Tiến sĩ, nhà văn, nhạc sĩ Phạm Việt Long, ông cho biết: “Có nhiều yếu tố để các ca khúc cổ vũ thanh niên cách đây mấy chục năm tạo ra sức ảnh hưởng lớn: Phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là đài phát thanh lúc nào cũng phát sóng ca khúc; không khí thời đó ai cũng tự nguyện làm việc quên mình vì sự nghiệp xây dựng hậu phương, chiến đấu ở tiền phương; một thế hệ nhạc sĩ tài năng, trực tiếp đắm mình vào không khí thời chiến nên có nhiều cảm hứng sáng tác hay… Cá nhân tôi và nhiều người cùng trang lứa đi hành quân vào miền Nam công tác và chiến đấu, mang theo radio nghe nhạc, đi không biết mệt”.

Nét chủ đạo của ca khúc cổ vũ thanh niên thời chiến tranh là giai điệu vui tươi, hào sảng, tạo ra cho người nghe một khí thế làm việc hăng hái. Lời ca đơn giản, dễ nghe, dễ thuộc và tính chất động viên hòa quyện với lý tưởng thời đại: Đi bạn ơi, đi bạn ơi, khó khăn sẽ tôi rèn ý chí/ Đi bạn ơi, đi bạn ơi, tháng năm ta sẽ thành dũng sĩ/ Đi bạn ơi, không gì ngăn bước chân vững tin của thanh niên/ Đang ngày đêm trong đạn bom tiến lên tiền tuyến đang mong ta ("Bài ca thanh niên ra tiền tuyến"-Trần Tiến).

Chiến tranh kết thúc, đất nước vẫn cần sức thanh niên đi dựng xây lại đất nước. Hàng vạn thanh niên xung phong với tinh thần "ba sẵn sàng" tiếp tục đến những vùng xa xôi hẻo lánh để góp phần dựng xây Tổ quốc như lời dạy Bác Hồ: Đi lên thanh niên! Chớ ngại ngần chi/ Đi lên thanh niên! Làm theo lời Bác/ “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên ("Thanh niên làm theo lời Bác"-Hoàng Hòa). Đến tận bây giờ, mỗi dịp nghỉ hè, lớp lớp thanh niên áo xanh tình nguyện lại đến vùng sâu, vùng xa để thực hiện "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con, hiện thực đó khơi nguồn cảm hứng cho giới nhạc sĩ như bài “Áo xanh tình nguyện” của nhạc sĩ Hoài An: Xanh xanh màu quê hương, màu áo xanh trên mọi tuyến đường/ Nhanh nhanh từng bước chân, bao khát khao tuổi xanh ước mơ/ Đến với những con đường thật xa/ Dẫu biết trước khó khăn chờ ta hát lên nào bạn ơi.

Nét mới của những ca khúc cổ vũ thanh niên thời bình là nét trữ tình đã được đưa vào nhuần nhuyễn giữa bao gian lao vất vả, như bài hát đầy chất thơ “Như khúc tình ca” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Như cánh én tôi đi tìm xuân, tìm đến nông trường đầy nắng gió bụi mờ/ Tôi sẽ hóa cơn mưa đầu mùa, để thấy em về bên lá non xanh.

Ngày nay, không có nhiều những ca khúc cổ vũ thanh niên sống đẹp, có ý nghĩa cho xã hội, có sức lan tỏa rộng khắp như trước đây là một vấn đề nan giải trong âm nhạc Việt Nam. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Mảng đề tài ca khúc cho thanh niên đúng là không có nhiều “đất dụng võ” như trước. Nhưng qua những ca khúc của nhạc sĩ trẻ Tạ Quang Thắng như: “Lá cờ”, “Sống như những đóa hoa” chứng minh rằng ca khúc cổ vũ, thúc giục thanh niên vẫn có sức ảnh hưởng nếu nhạc sĩ có tài năng, biết trân trọng quá khứ, có tư tưởng tâm lý lạc quan và nhất là phải hiểu giới trẻ. Hiểu giới trẻ mới có thể đưa lời ca và giai điệu cổ vũ, tuyên truyền một cách tự nhiên, không lên gân, giáo điều, hô hào suông. Đó là lý do vì sao tôi tin rằng dòng nhạc cổ vũ thanh niên sống đẹp, sống có ích sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới”.

Bài và ảnh: MỘC LAN