Với gần 4.000 bài dự thi gửi về Ban tổ chức trong 10 năm, trong đó gần 1.500 tác phẩm dự thi được đăng tải trên Báo QĐND, đã nhân lên bao tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ những tấm gương người tốt, việc tốt và phong trào thi đua yêu nước; thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác Hồ.
Tiếp nối thành công
Năm 2008, Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được Báo QĐND phối hợp với Báo Nhân dân, Báo Lao Động phát động lần đầu, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 / 11-6-2008) và hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ năm 2010, Báo QĐND, Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà Xuất bản QĐND phối hợp tổ chức hằng năm Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; trở thành cuộc thi viết có uy tín của Báo QĐND. Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) đã đồng hành cùng cuộc thi trong nhiều năm qua.
 |
Cô giáo Lý Thị Kiều, nhân vật trong tác phẩm “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” với các cháu học sinh điểm trường mầm non. Ảnh: Thu Hà
|
Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 (2017-2018) vừa khép lại và thành công tốt đẹp. Trong số hàng trăm tác phẩm gửi về tham gia, Ban tổ chức lựa chọn và đăng tải 149 tác phẩm trên các ấn phẩm của Báo QĐND. Đó là những tấm gương sáng, bình dị mà cao quý, gương người tốt, việc tốt tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực, trên khắp mọi miền đất nước, đã lặng thầm vượt khó, vượt qua chính mình để cống hiến cho cộng đồng, hướng tới giá trị chân-thiện-mỹ. Họ là những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, công nhân, nông dân, nhà tu hành, người khuyết tật… Mỗi người tốt, việc tốt, tấm gương bình dị mà cao quý được phản ánh qua cuộc thi là một câu chuyện cảm động, rất đời thường, rất thiết thực về học tập và làm theo gương Bác; về ý chí và quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ; về đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân; về đức hy sinh, lòng dũng cảm, nhân ái, yêu thương con người...
Giải nhất cuộc thi viết lần thứ 9 được trao cho tác phẩm “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng”, của tác giả Thu Hà (Báo QĐND). Tác phẩm đã viết về ba cô giáo: Nông Thị Dương, Lý Thị Kiều, Nguyễn Thị Nhung nhiều năm nhận phần khó, thiệt thòi về mình, bám trụ trên đỉnh núi Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), cao gần 3.000m, vượt những cung đường hết sức hiểm trở để vận động các em nhỏ đến trường, mang kiến thức, “mở đường” cho trẻ em vùng cao vươn tới tương lai tươi sáng hơn.
Tác giả Thu Hà tâm sự: “Gặp được 3 nhân vật là cơ duyên trong cuộc đời làm báo của tôi. Trong một lần lên huyện Mù Cang Chải phản ánh công tác chuẩn bị năm học mới của học sinh sau cơn lũ quét kinh hoàng cuối tháng 8-2017, tôi được giới thiệu về một vùng “4 không” (không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không trạm y tế), đó là bản Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải). Nậm Có là một trong những xã nghèo nhất huyện. Hôm đó, sau cơn mưa tầm tã, khi chuẩn bị cho chuyến đi, tôi được người dân cảnh báo: “Không ai lên Lùng Cúng vào mùa này, rất vất vả, nguy hiểm”. Thế nhưng, tôi càng quyết tâm đến đó. Chặng đường 25km, nhưng phải mất 5 giờ tôi mới lên tới nơi. Thật may mắn, trên đường đi tôi gặp cô Nông Thị Dương, 1 trong 3 cô giáo trong bài viết. Hành trình cùng cô lên trường càng khiến tôi cảm nhận rõ hơn về những khó khăn, vất vả mà giáo viên cắm bản phải gánh chịu”.
Chuyến đi thực tế để lại cho tác giả Thu Hà nhiều cảm xúc và thôi thúc nữ phóng viên viết về các cô giáo vùng cao, không chỉ để tôn vinh những giáo viên đang ngày đêm cắm bản, hy sinh hạnh phúc cá nhân, mà còn để nhiều người biết đến một nơi rất khó khăn và cùng chung tay giúp đỡ, sẻ chia. Qua tác phẩm cũng cho thấy, tác giả phải chịu khó tìm tòi, trăn trở, vượt khó, sâu sát cơ sở… mới phát hiện, tôn vinh được những tấm gương bình dị mà cao quý ở quanh ta, trong cuộc sống thường ngày.
Trong cuộc thi viết lần thứ 9, đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn có khá nhiều tác phẩm tham gia và đoạt giải, như: “Nữ thuyền trưởng giỏi ở xã điển hình nông thôn mới”; "Nhân nghĩa và khát vọng giúp nông dân thoát nghèo"; “Kỹ sư Mao của đồng bào Khơ Mú”, “Nhà khoa học của nhà nông”, “Người xây những cây cầu yêu thương”…Theo đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Ủy viên Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên đường đổi mới đã đạt nhiều thành tựu, nhưng đây là vấn đề lớn, còn không ít khó khăn, mà không thể ngày một, ngày hai giải quyết được. Việc các tác giả, cơ quan báo chí phản ánh, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình, có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) là rất thiết thực, cần được khuyến khích. Khi mỗi miền quê, mỗi tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, quyết tâm đổi mới, vượt khó đi lên; phong trào và điển hình được nhân rộng, thì sẽ có thêm nhiều xã, huyện... sớm được công nhận đạt chuẩn NTM, nông thôn Việt Nam sẽ ngày càng khởi sắc.
Cũng như các cuộc thi trước, nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi lần thứ 9 đã phát hiện, tôn vinh những cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, luôn gương mẫu, tiên phong trên các lĩnh vực công tác, như: Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, công tác dân vận, giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị, xóa đói giảm nghèo... Đặc biệt, với việc các sĩ quan của QĐND Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cũng đã có những tấm gương tiêu biểu được phát hiện, tôn vinh (tác phẩm “Dấu ấn anh Bộ đội Cụ Hồ ở Trung Phi”, của tác Hoàng Linh-Phạm Kiên, đoạt giải ba). Qua đó cho thấy, hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, không chỉ tỏa sáng ở trong nước mà còn lan tỏa ở nước ngoài, nơi các anh thực hiện nhiệm vụ, với không ít thử thách, khó khăn…
Các tấm gương bình dị mà cao quý được phản ánh, tôn vinh qua cuộc thi viết đều có điểm chung đáng quý là luôn thầm lặng làm việc tốt, việc thiện; sẵn sàng nhận việc khó, phần thiệt thòi về mình; nỗ lực cống hiến cho xã hội, cộng đồng, mà không hề nghĩ đến việc mình được “lên” báo, đài, được khen thưởng, tôn vinh... Trong tâm hồn và con người họ, luôn nồng nàn tình yêu nước, tình yêu thương con người sâu sắc; giàu lòng nhân ái, đức hy sinh, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng, phấn đấu làm nhiều điều tốt, việc thiện, để những mảng màu tươi sáng thêm lan tỏa sâu rộng, tạo sức mạnh đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, thu hẹp và xóa dần những mảng tối trong xã hội. Đó cũng là sự tiếp nối thành công của Cuộc thi viết lần thứ 9, khẳng định uy tín, “thương hiệu” của Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong suốt 10 năm qua, góp phần thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Tôn vinh các tập thể, cá nhân đồng hành cùng cuộc thi viết
Trong 10 năm qua, Ban Tổ chức cuộc thi viết đã nhận được gần 4.000 tác phẩm tham gia và đã lựa chọn, đăng tải gần 1.500 tác phẩm về các tấm gương bình dị mà cao quý trên các ấn phẩm của Báo QĐND. Sau mỗi cuộc thi, Báo QĐND đều phối hợp với Nhà Xuất bản QĐND lựa chọn các tác phẩm xuất sắc được đăng để xuất bản thành các tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” thuộc tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ”. Đến nay, 14 tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được xuất bản và phát hành rộng rãi trong toàn quốc, toàn quân.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, khẳng định: "Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” thực sự khẳng định được uy tín, “thương hiệu”, chú trọng cả chất lượng tác phẩm báo chí và nội dung phản ánh, nhất là việc phát hiện, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, rất bình dị mà cao quý. Đặc biệt, Báo QĐND đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiên trì tổ chức, tạo sức lan tỏa của cuộc thi trong suốt 10 năm qua, về một đề tài không mới, nhưng luôn mang tính thời sự, giàu tính nhân văn; đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ cái hay, cái đẹp, những tấm gương người tốt, việc tốt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ở mọi miền đất nước. Qua đó cho thấy, nếu các cơ quan báo chí-truyền thông có cách làm sáng tạo, như Báo QĐND đã kiên trì, bền bỉ duy trì cuộc thi viết trong 10 năm qua, thì ngay cả những nội dung, đề tài được xem là “khô, khó”, vẫn thu hút được đông đảo các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên tham gia; tạo sự lan tỏa sâu rộng về những gương sáng, điển hình người tốt, việc tốt, giàu lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng, thiết thực góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thành công của cuộc thi viết trong 10 năm qua là rất đáng ghi nhận, nhưng các tấm gương bình dị mà cao quý được phản ánh cũng mới chỉ là phần nhỏ trong “rừng hoa” người tốt, việc tốt của dân tộc, đòi hỏi những người cầm bút, cầm máy chuyên nghiệp và không chuyên cần nỗ lực hơn nữa trong tìm tòi, quảng bá, phổ biến, nhân lên nhiều điển hình tiên tiến, những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Với những kết quả đạt được trong tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; tổ chức tốt Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, tháng 5-2018, Báo QĐND được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải thưởng tập thể xuất sắc về quảng bá tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đợt 1, giai đoạn 2016-2018.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, đồng Trưởng ban Tổ chức cuộc thi viết, khẳng định: Rất đáng trân trọng, bởi với nỗ lực sáng tạo, cống hiến hết mình; bằng những việc làm thiện nguyện, trái tim nhân ái vì cộng đồng... nhiều nhân vật được phản ánh qua các tác phẩm dự thi trong những năm qua, nay đã phát triển, trưởng thành, đảm nhiệm chức trách, cương vị cao hơn; nhiều người có thêm động lực vượt qua bệnh nặng, hoàn cảnh éo le, vươn lên trong cuộc sống; nỗ lực cống hiến, làm nhiều việc tốt cho xã hội, cộng đồng. Thật cảm động khi nhiều nhân vật của cuộc thi viết đã tuổi cao, sức yếu, nhưng vẫn luôn tâm niệm: “Còn sức, còn cống hiến”; “Còn sức, còn đi tìm đồng đội nơi chiến trường xưa”, và “Sống hiến máu, chết hiến tạng”... Có những tấm gương bình dị của cuộc thi đã ra đi, nhưng sự cống hiến, hy sinh, lòng nhân ái và những nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng của họ vẫn tiếp tục lan tỏa, làm đẹp cho đời. Đó cũng chính là giá trị nhân văn, tạo “thương hiệu”, sức lan tỏa của Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong suốt 10 năm qua.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 / 11-6-2018), 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2018), tối 8-6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo QĐND phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9, phát động cuộc thi viết lần thứ 10 và Chương trình Giao lưu-Nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và các ban, bộ, ngành… đã luôn quan tâm, động viên, chỉ đạo cuộc thi viết trong 10 năm qua.
Chương trình là dịp gặp gỡ, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải; các tấm gương, điển hình tiêu biểu được phát hiện, phản ánh qua cuộc thi; các tập thể, cá nhân đã đồng hành, đóng góp tích cực vào thành công của cuộc thi viết. Đó là các đồng chí trong ban tổ chức, ban giám khảo; đại diện lãnh đạo các đơn vị truyền thông, nghệ thuật...; các nghệ sĩ, ca sĩ đã nhiều năm tham gia biểu diễn tại các lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết và chương trình giao lưu-nghệ thuật... Đây là sự kiện có ý nghĩa, là dấu mốc khẳng định thành công, sự lan tỏa và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong suốt 10 năm qua.
21 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 (2017-2018)
Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 21 tác phẩm xuất sắc nhất để Ban Tổ chức trao giải, gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 15 giải khuyến khích.
Giải nhất được trao cho tác phẩm: “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” (tác giả Đặng Thu Hà); 2 giải nhì gồm: “Tiếng gọi từ trái tim người mẹ” (tác giả Nguyễn Thu Hoài); “Nữ "thuyền trưởng" giỏi ở xã điển hình nông thôn mới” (tác giả Hà Anh-Thanh Năm); 3 giải ba gồm: “Dấu ấn anh Bộ đội Cụ Hồ ở Trung Phi” (tác giả Phạm Kiên-Hoàng Linh); “Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mang tên “Dr Trần Ngọc Lương” (tác giả Việt Phương-Lê Hiền); “Nhân nghĩa và khát vọng giúp nông dân thoát nghèo” (tác giả Nguyễn Minh Hiếu-Nguyễn Kiên Thái); 15 giải khuyến khích gồm: “Chàng học sinh nghèo và 2 tấm Huy chương Vàng Olympic” (tác giả Trần Văn Bình); “Website Lietsi.com và ước mơ của Lê Công Thành” (tác giả Hoàng Liên Việt); "Người thầy nơi thâm sơn cùng cốc" (tác giả Nguyễn Viết Lam); “Kỹ sư" Mao của đồng bào Khơ Mú” (tác giả Hoàng Khánh Trình); “Hơn cả một giáo viên, cô là niềm cảm hứng…” (tác giả Huy An-Phương Linh); "Bà giáo hết lòng “gieo chữ” cho trẻ thiểu năng” (tác giả Thúy An); “Người xây những cây cầu yêu thương” (tác giả Lê Hữu Trưởng); “Nghị lực của nữ thủ khoa hai lần giành học bổng Kova” (tác giả Nguyễn Văn Công); “Thầy giáo thương binh “trồng người” bằng tay trái” (tác giả Hương Dịu); “Tấm lòng nhân ái thắp lửa yêu thương” (tác giả Vũ Duy); “Nhà khoa học của nhà nông” (tác giả Đoàn Văn Nam); “Khởi nghiệp từ tình yêu với con gái nhỏ” (tác giả Hoàng Trường Giang); “Ông chủ của “sân khấu tình thương” (tác giả Phan Thu Sa); “Người bác sĩ trọn đời vì dân bản” (tác giả Ngọc Thịnh); “Ông "thần nông" ở Hồng Quang” (tác giả Tô Văn Binh). Ban Tổ chức cuộc thi viết tặng giấy khen cho 1 tác giả.
|
ANH QUÂN