Tới dự có đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi, Chủ tịch Hội đồng chung khảo cuộc thi viết; các đồng chí đồng trưởng ban tổ chức cuộc thi: Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND; Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tá Kiều Bách Tuấn, Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản QĐND; các đại biểu ban tổ chức, ban giám khảo; các tác giả và tập thể, cá nhân tiêu biểu được phản ánh qua cuộc thi; phóng viên các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng cuộc thi nhiều năm qua.
Quảng bá, phát huy hiệu quả cuộc thi
Tại cuộc gặp mặt, đồng chí Phạm Văn Linh công bố 21 tác phẩm đoạt giải tại cuộc thi viết lần thứ 9. So với những năm trước, số lượng tác giả, tác phẩm tham dự cuộc thi viết lần thứ 9 và được lựa chọn, đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND nhiều hơn, chất lượng được nâng cao. Các tấm gương bình dị cao quý được phản ánh tại cuộc thi viết lần thứ 9 bảo đảm tính chính xác, có sức thuyết phục và lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm hướng về cơ sở, đi sâu vào đời sống thực tế, tìm tòi, phát hiện những gương người tốt, việc tốt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn gian khổ, tạo ấn tượng sâu sắc với bạn đọc.
Thay mặt Ban tổ chức, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn giới thiệu nội dung kỷ niệm 10 năm phát động cuộc thi viết, lễ trao giải cuộc thi lần thứ 9, phát động cuộc thi viết lần thứ 10 và Chương trình giao lưu-nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”. Theo đó, so với các cuộc thi lần trước, Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 9 tăng thêm số lượng giải và giá trị giải thưởng. Trong cuộc thi viết lần thứ 10, Ban tổ chức định hướng đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền hướng về cơ sở; cùng với những tấm gương bình dị trong cuộc sống, Ban tổ chức mong nhận được các tác phẩm viết về các nhân vật ở cương vị cao hơn, trong các lĩnh vực rộng hơn; tăng cường kết nối, tương tác, giao lưu giữa nhân vật được tôn vinh với tác giả, độc giả. Phát huy vai trò của cơ quan truyền thông đa phương tiện, những tấm gương điển hình sẽ được tuyên truyền thường xuyên trên các bản tin media của Báo QĐND, tăng thêm sức hấp dẫn, lôi cuốn và sức thuyết phục của các tác phẩm dự thi.
 |
Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: TRỌNG HẢI.
|
Trao tặng Báo QĐND 14 tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, Đại tá Kiều Bách Tuấn, chia sẻ: "Những năm qua, Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý" được tổ chức và có sức lan tỏa rộng khắp, với sự nỗ lực, sáng tạo, trực tiếp khởi đầu từ Báo QĐND. Để cuộc thi thêm lan tỏa, Nhà xuất bản QĐND đã luôn đồng hành, phối hợp với Báo QĐND tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu để xuất bản các tập sách. Qua 14 tập sách, những tấm gương trên báo chí đã đi vào tủ sách của mỗi nhà, của cộng đồng, để việc làm của những tấm gương bình dị không chỉ dừng lại ở những tác phẩm báo chí, mà còn là niềm tự hào, động viên họ tiếp tục phấn đấu và động viên con cháu, người thân, cộng đồng noi theo, đồng thời khơi dậy, khuyến khích tinh thần tương trợ, nhân ái vì cộng đồng của thế hệ sau. Nhà xuất bản QĐND sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo QĐND để góp phần nhân lên, lan tỏa nhiều gương người tốt việc tốt giàu tính nhân văn”.
Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả cuộc thi không chỉ là định hướng, quyết tâm của Ban tổ chức, mà còn là mong muốn và kỳ vọng của nhiều tác giả, nhân vật được tôn vinh, các nhà báo, đại biểu khách mời tại buổi gặp mặt báo chí.
TS Vương Văn Việt, nguyên Tổng biên tập Báo Lao động, hiện là Tổng biên tập Báo Sức khỏe cộng đồng, đồng Trưởng ban tổ chức cuộc thi lần thứ nhất, chia sẻ: "Sau thành công của mùa giải đầu tiên, cuộc thi tiếp tục được Báo QĐND chủ trì phối hợp tổ chức đạt nhiều kết quả tích cực. Cuộc thi viết không chỉ là “thương hiệu” của Báo QĐND, mà trở thành sự kiện được cả nước quan tâm, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội ghi nhận và đánh giá cao. Trong xã hội chúng ta có rất nhiều tấm gương người tốt. Việc phát hiện, tôn vinh, tuyên truyền để nhân rộng các điển hình trong suốt 10 năm thông qua cuộc thi viết trên Báo QĐND là việc làm rất đáng ngưỡng mộ; là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Là người đồng hành tuyên truyền cuộc thi trong suốt những năm qua, Nhà báo Trần Quyết, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban Chính trị-Xã hội, Báo Nhân Dân, bộc bạch: “Tôi cho rằng, cuộc thi có ý nghĩa hết sức nhân văn và thiết thực, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà mặt trái của cơ chế thị trường tác động không nhỏ tới tâm tư, tình cảm, nhận thức của mỗi người. Cuộc thi đã góp phần quan trọng trong phát hiện, tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, đặc biệt là những tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; qua đó, nhân lên cái đẹp, cái tốt, đẩy lùi cái xấu, tiếp thêm niềm tin yêu của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, quân đội và cộng đồng”.
Nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ của các đồng chí trong Ban tổ chức, các đại biểu, nhà báo, nhân vật... tại chương trình gặp mặt đã khẳng định sức lan tỏa, giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc thi trong suốt 10 năm qua, cũng như niềm tin, sự kỳ vọng vào thành công tiếp nối của những mùa giải tiếp theo.
Tiếp thêm niềm tin, nhân lên giá trị sống đẹp
Gặp lại những đồng nghiệp đồng hành với cuộc thi nhiều năm qua, cũng như những nhân vật được tôn vinh từ các tác phẩm của mùa giải đầu tiên, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn xúc động chia sẻ: “Bằng trách nhiệm, tấm lòng tri ân của những người làm báo, chúng tôi vẫn tiếp tục dõi theo những tấm gương được tôn vinh, động viên họ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, làm nhiều việc tốt, việc thiện. Trong số đó, hầu hết đã phát huy được những việc làm tốt của mình; nhiều người phát triển lên các chức vụ cao hơn, giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, đơn vị. Có người trong số đó đã ra đi, nhưng chắc chắn những việc làm tốt của họ còn đọng lại mãi trên những trang báo, thước phim và trong lòng độc giả”.
Đúng vậy, chúng tôi thực sự cảm động khi gặp lại chị Trần Mai Anh, nhân vật trong tác phẩm “Viết tiếp chuyện cổ tích giữa đời thường” của tác giả Tiến Phú, tham gia cuộc thi viết năm 2009. Đã gần 10 năm qua, nhưng câu chuyện về việc làm cao đẹp của chị vẫn còn nguyên sức lay động. Qua những lời bộc bạch chân thành, giản dị, đầy khiêm tốn của chị, rằng, “cháu Thiện Nhân vẫn khỏe và ngoan lắm”, chúng tôi biết chị vẫn âm thầm hy sinh và vượt qua biết bao khó khăn để tiếp tục nuôi dạy, chăm sóc cháu Thiện Nhân trưởng thành. Với chị, sự tôn vinh thông qua Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” là niềm động viên, khích lệ bản thân tiếp tục sống đẹp, sống có ích cho cộng đồng.
 |
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong 9 lần tổ chức. Ảnh: PHẠM THÁI HƯNG.
|
Câu chuyện về cựu chiến binh Trương Xuân Thức (nhân vật trong tác phẩm “Anh nhận hy sinh cả bàn tay cơm áo” của tác giả Hoàng Nam, tham dự cuộc thi năm 2011) đã chịu mất cánh tay trái để cứu đoàn tàu thoát hiểm, khiến nhiều người tham dự buổi gặp mặt báo chí rưng rưng lệ. Ông Thức thổ lộ: “Mất đi “bàn tay cơm áo” khiến cuộc sống khó khăn hơn nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc vì mình đã làm điều đó. Hy sinh một phần cơ thể để cứu được hàng trăm hành khách trên đoàn tàu là việc đáng làm, nên làm”. Ông cũng rất vui khi việc làm của mình được tuyên truyền rộng rãi, góp phần nhân lên việc làm tốt, giá trị sống đẹp trong cộng đồng.
Buổi gặp mặt báo chí thêm lắng đọng, khi PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (nhân vật trong tác phẩm “Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mang tên “Dr Trần Ngọc Lương”, đoạt giải ba cuộc thi lần thứ 9) trao số tiền 50 triệu đồng, thông qua Báo QĐND giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. PGS, TS Trần Ngọc Lương thổ lộ: “Những lần trước, khi được nhận các giải thưởng, tôi cũng hỗ trợ các quỹ từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn. Tôi hy vọng, việc làm của mình góp phần thúc đẩy những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống”.
Gặp gỡ, trao đổi với các nhà báo, các tác giả đoạt giải tại cuộc thi viết năm nay và những năm qua, chúng tôi đều cảm nhận được niềm vui của họ khi góp phần phát hiện, tôn vinh, lan tỏa những “bông hoa” việc tốt trong “rừng hoa” việc tốt của dân tộc ta.
Buổi gặp mặt báo chí kết thúc thành công trong niềm vui và những gửi gắm, hy vọng vào những việc làm thiện nguyện, giàu tính nhân văn sẽ ngày càng được lan tỏa, nhân lên. Các đồng chí trong Ban tổ chức, các vị khách mời, nhân vật trong các tác phẩm dự thi, các nhà báo… cùng nán lại để trò chuyện lâu hơn về những câu chuyện cảm động, việc làm tốt, những tấm gương bình dị mà cao quý. Mọi người cùng chờ đón, hẹn gặp nhau gặp lại tại Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết lần thứ 9 và Chương trình giao lưu-nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”, được tổ chức tối 8-6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, cùng niềm tin vào thành công mới của các lần trao giải tiếp theo.
KHÁNH MINH