Bầu đèn làm bằng đồng thau, chứa được khoảng 0,5 lít dầu, bấc dẹt. Bóng đèn hình trụ, bằng thủy tinh dày độ 3mm, trong suốt như pha lê, có các khấc hợp với bầu đèn để không bị xê dịch khi chao, lắc; được bảo vệ nhờ các cột bằng đồng. Trên nóc đèn có nón và quai treo. Đặc biệt, dưới gầm bầu đèn ghi dòng chữ: “Bông-V-Dĩa, K15-Đồ Sơn-Hải Phòng-Phương Đông 1” và hàng chữ in hoa đã bị ăn mòn, chỉ còn hình chữ C và chữ A mờ ở hai đầu. Đây có thể là chiếc đèn của thủy thủ tàu không số làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 |
Ông Phạm Chí Thiện với chiếc đèn đi biển. |
Vào cuối năm 1976, ông Thiện đang là sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, về thực tế ở Kiến An, TP Hải Phòng. Là người say mê sưu tầm kỷ vật kháng chiến, tại đây chàng sinh viên được một người phụ nữ cùng với con trai tên Vinh trao tặng chiếc đèn đi biển nói trên và cho biết, đó là kỷ vật của chồng bà-thủy thủ tàu không số, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào Nam trong những năm kháng chiến.
Hôm ấy, nhận đèn xong, trời cũng sắp tối, ông Thiện vội ra đón xe khách về quê mà quên hỏi rõ người tặng. Sau này, để tìm hiểu về lai lịch cây đèn, ông có trở lại Kiến An, nhưng không tìm được gia đình người tặng chiếc đèn đi biển.
Tìm hiểu về chiếc đèn đi biển trên tàu không số, chúng tôi được nguyên thủy thủ Trần Hậu Vệ (quê xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, đã tham gia 9 chuyến chở vũ khí vào Nam từ năm 1964 đến 1971), cho biết: “Một trong những tác dụng thiết thực của chiếc đèn là báo hiệu nhanh về hướng đi của con tàu, nhất là trong đêm không có trăng sao. Bóng đèn được chia đều thành 4 phần theo chiều thẳng đứng, ứng với 4 màu khác nhau bằng vật liệu chuyên dùng. Đèn treo cố định ở mũi tàu, định vị mỗi màu trên bóng đèn ứng với một hướng địa lý. Khi tàu đổi hướng, hiệu ứng ánh sáng trên bóng đèn sẽ giúp thủy thủ chưa cần đến la bàn cũng biết là con tàu đang hành tiến hướng nào...".
Theo dòng lịch sử, ngày 11-10-1962, chiếc tàu gỗ mang phiên hiệu “Phương Đông 1” do Thuyền trưởng Lê Văn Một (quê Tiền Giang) và Chính trị viên Bông Văn Dĩa (quê Cà Mau) chỉ huy, cùng 11 thủy thủ nhổ neo tại bến tàu K15-Đồ Sơn (Hải Phòng), chở 30 tấn vũ khí vào Cà Mau. 9 ngày sau, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn. Đây là chuyến mở đầu hành trình Đường Hồ Chí Minh trên biển. Kết thúc chuyến đi ấy, theo yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí Bông Văn Dĩa cùng con tàu Phương Đông 1 ở lại Nam Bộ, Thuyền trưởng Lê Văn Một và các thủy thủ ra Bắc để tiếp tục làm nhiệm vụ, có thể đã mang theo chiếc đèn để làm kỷ niệm...
Cây đèn đi biển hiện được ông Thiện đặt ở vị trí trang trọng trong phòng trưng bày kỷ vật của gia đình. Khách đến tham quan, rất nhiều người thấy nó độc đáo đã hỏi mua, nhưng ông Thiện nhất quyết không bán. Tuổi già, sức khỏe yếu, ông rất mong được các thủy thủ tàu không số và nhân chứng lịch sử giúp đỡ để gia đình lập được hồ sơ lai lịch chiếc đèn và trao tặng lại bảo tàng.
Nếu chiếc đèn này là của Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa thì đó là kỷ vật lịch sử vô giá. Ai biết thông tin liên quan, đề nghị liên hệ với tác giả bài viết: Phạm Xưởng, số điện thoại 0988.755878.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG