Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 18,6% kế hoạch, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4 ước đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý đạt 8,0 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%; vốn địa phương quản lý 40,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch năm và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 bằng 18,0% và tăng 4,4%).
Cụ thể: Vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 24,9 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% kế hoạch năm và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Bộ Xây dựng đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6%; Bộ Nông nghiệp và Môi trường đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng 48,3%; Bộ Y tế đạt 652,9 tỷ đồng, gấp 3,2 lần; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 328,5 tỷ đồng, tăng 53,4%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 176,8 tỷ đồng, tăng 25,3%; Bộ Khoa học và Công nghệ đạt 110,1 tỷ đồng, tăng 10,8%; Bộ Công Thương đạt 60,2 tỷ đồng, giảm 55,2%.
 |
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
|
Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 140,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,7% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 95,0 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2024; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 39,6 nghìn tỷ đồng, bằng 21,6% và tăng 15,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 6,1 nghìn tỷ đồng, bằng 24,4% và tăng 8,4%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 81,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 533,1 triệu USD, chiếm 7,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 266,2 triệu USD, chiếm 3,9%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2025 có 43 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 269,2 triệu USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước; có 12 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 40,1 triệu USD, gấp 69,1 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 309,3 triệu USD, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 111,2 triệu USD, chiếm 36,0% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 65,6 triệu USD, chiếm 21,2%; vận tải kho bãi đạt 50,5 triệu USD; chiếm 16,3%.
Trong 4 tháng đầu năm 2025 có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Lào là nước dẫn đầu với 140,6 triệu USD, chiếm 45,5% tổng vốn đầu tư; Indonesia 59,1 triệu USD, chiếm 19,1%; Philippines 34,3 triệu USD, chiếm 11,1%; Nhật Bản đạt 26,1 triệu USD, chiếm 8,4%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 21 triệu USD, chiếm 6,8%.
TRƯỜNG AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.