Tại buổi họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố do biến chủng Omicron thay thế dần biến thể Delta, nhưng với chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vắc xin với tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 2 khoảng 99%, và mũi 3 khoảng 50%, thị trường lao động quý I-2022 đã dần phục hồi trở lại. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I-2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng đều giảm so với quý trước.
 |
Quang cảnh cuộc họp báo. |
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, quá trình nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh. Trong quý I-2022, mặc dù cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người). Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Trong tổng số hơn 16,9 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,9 triệu người bị mất việc, chiếm 1,2%; 5,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 6,7%; 5,7 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 7,6% và 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 18,3%. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là hai vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các vùng khác.
Về số người có việc làm, trong những tháng đầu năm tình hình kinh tế-xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng 962,6 nghìn người so với quý trước và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Bước sang quý I năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động là 6,4 triệu đồng, tăng mạnh so với quý trước, tăng 20,1% (tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 110 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/người/tháng.
Về tình hình thất nghiệp trong độ tuổi lao động, sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ngay trong quý I năm 2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Chính vì vậy, tình hình thất nghiệp ở quý I-2022 đã khả quan hơn, thay vì dịch bệnh diễn biến phức tạp như trước đây, người lao động khó có cơ hội tìm được việc làm thì nay họ đã có thể tham gia vào thị trường lao động thuận lợi hơn. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I-2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tin, ảnh: VŨ DUNG