Theo đó, NLĐ có ký kết hợp đồng lao động đang làm việc trong doanh nghiệp được hỗ trợ mức 500 nghìn đồng/tháng và NLĐ quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng (tối đa 3 tháng). Theo thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có khoảng 3,4 triệu người sẽ được thụ hưởng chính sách này. Thông tin trên mang lại nhiều niềm vui cho NLĐ và thêm tin tưởng vào các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
 |
Thị trường lao động, việc làm Hà Nội đang sôi động trở lại sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Sơn |
Chúng ta biết rằng, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, tác động mạnh đến việc làm, thu nhập, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2021, thị trường lao động bị tác động theo nhiều chiều hướng, nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển lao động từ những trung tâm kinh tế lớn về các địa phương gây ra thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh tại nhiều khu vực kinh tế trọng điểm.
Thực tế cho thấy, hơn hai năm qua, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh, kéo theo đó là rất nhiều lao động phải nghỉ việc tạm thời hoặc mất việc làm. Người lao động không có việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sút nhưng mọi sinh hoạt hằng ngày vẫn phải duy trì. Trong đó, hầu hết NLĐ làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... phải thuê nhà trọ, tiền thuê nhà hằng tháng vẫn phải chi trả khiến chi phí sinh hoạt càng eo hẹp. Mặc dù vậy, trong khó khăn, chúng ta càng thêm trân quý tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của nhân dân trên khắp cả nước càng được thể hiện và lan tỏa. Những thông tin, hình ảnh, câu chuyện đăng tải trên báo chí, lan truyền trên mạng xã hội về việc nhiều chủ nhà trọ giảm, miễn tiền thuê trọ hoặc hỗ trợ tiền cho các công nhân trong lúc thất nghiệp, không có thu nhập... càng lan tỏa tính nhân văn, lẽ sống đẹp, trách nhiệm với cộng đồng.
Tiếp nối và nhân lên những điều tốt đẹp đang không ngừng nảy nở, sinh sôi trong đời sống xã hội, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg được cộng đồng doanh nghiệp và NLĐ hoan nghênh, đón chờ. Các chính sách hỗ trợ giúp NLĐ vơi bớt phần nào gánh nặng về chi phí sinh hoạt, từng bước ổn định cuộc sống, thêm yên tâm, gắn bó với công việc. Hơn thế, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn mở ra cơ hội để phục hồi thị trường lao động; tạo động lực lớn để thúc đẩy nền kinh tế từng bước phục hồi và tăng tốc trong thời gian tới. Không chỉ riêng quyết định này, nhiều chính sách khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã khẳng định nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng chăm lo cho NLĐ và tinh thần đồng hành với doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước ta.
Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày ký ban hành. Như vậy, ngay từ tháng 4-2022, khoảng 3,4 triệu NLĐ sẽ được nhận hỗ trợ từ chính sách mới. Vấn đề đặt ra với các cấp, các ngành chức năng là cần phải quyết liệt, khẩn trương đưa chính sách vào cuộc sống; bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch nhưng cũng không để bị lợi dụng, trục lợi chính sách. Bên cạnh đó, không phải NLĐ nào cũng được thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ, do đó, tổ chức công đoàn các cấp, nhất là công đoàn trong những khu công nghiệp, khu chế xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi để NLĐ hiểu rõ, nắm được chủ trương từ chính sách mới, qua đó tạo đồng thuận trong toàn xã hội.
MINH MẠNH