Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia pháp lý đề xuất các giải pháp chính sách nhằm đảm bảo 3 mục tiêu: Hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, phù hợp với các cam kết của quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của quốc gia.

Thuế tối thiểu toàn cầu là loại thuế áp vào các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng lại đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp nhằm trốn thuế, tiềm ẩn nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh. Đây là loại thuế đã được nghiên cứu từ lâu song gần đây khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động thì loại thuế này đã được đẩy mạnh triển khai đi vào thị trường kinh tế toàn cầu.

Các nước đã thống nhất Thuế tối thiểu toàn cầu là mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu; sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin tại hội thảo.

Chính sách thuế này được đánh giá có cả tác động tích cực - là tăng thu thuế cho quốc gia; song tác động tiêu cực ảnh hưởng tới tính hấp dẫn của thu hút đầu tư nước ngoài.

Trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư. Trong khi đó, các trường hợp chịu tác động của thuế suất tối thiểu là các nhà đầu tư lớn (có tổng doanh thu hợp nhất trên 750 triệu Euro, tức khoảng 850 triệu USD theo tỷ giá hiện hành), nên việc áp dụng quy định mới không chỉ làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài mà còn làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài; gia tăng áp lực hành chính trong quá trình đầu tư.

Tham dự hội thảo, các nhà đầu tư đã nêu nhiều kiến nghị đáng lưu ý như xem xét nới thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; nới bước lũy tiến thuế thu nhập cá nhân; chú trọng tạo thuận lợi, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (không chịu tác động của chính sách thuế mới). Giảm bớt thủ tục hành chính và đa dạng hóa chính sách ưu đãi thay vì tập trung vào chính sách thuế cũng là những gợi ý đáng lưu ý khác.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận và cho biết các ý kiến góp ý sẽ tiếp tục được cân nhắc trên cơ sở đánh giá toàn diện vấn đề. “Việt Nam sẽ nghiên cứu và điều chỉnh chính sách đầu tư để thích ứng với thuế suất này và thu hút các nguồn lực đầu tư mới”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.

Tin, ảnh: VŨ DUNG