Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Nguyễn Đình Chúc, Phó tổng biên tập Báo Lao Động cho biết, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi). Với 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2023, Luật Dầu khí năm 2022 đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, phát triển kinh tế bền vững cũng như phát triển năng lượng quốc gia.
    |
 |
Ông Nguyễn Đình Chúc, Phó tổng biên tập Báo Lao Động phát biểu khai mạc Tọa đàm Luật Dầu khí (sửa đổi)-tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư".
|
Chia sẻ tại tọa đàm, các ý kiến nhấn mạnh, việc thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) với nhiều chính sách mới, kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Nêu ra điểm mới của Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật Dầu khí (sửa đổi) có 10 điểm mới, tạo ra các mục tiêu kỳ vọng như thúc đẩy, nâng cao hiệu quả và hiệu lực khai thác dầu khí. Trong đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) tạo cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, cạnh tranh với các nước trong khu vực, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho hoạt động dầu khí; bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí; bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà đầu tư.
    |
 |
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm. |
Có cùng cách nhìn nhận, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) có những phần mới trải rộng quá trình hoạt động, khai thác dầu khí liên quan đến tìm kiếm thăm dò, điều tra cơ bản, những ưu đãi đặc biệt, quy định về kế toán kiểm toán, phân cấp phân quyền sao cho hiệu quả...
Những điểm mới này đặt ra kỳ vọng giúp bao quát chặt chẽ hơn, hiện thực hoá cộng tác triển khai, tăng độ linh hoạt thuận lợi, tương thích với luật quốc tế, tăng tổng vốn đầu tư, khai thác, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai trong bối cảnh các mỏ hiện nay đang có sự cạn kiệt. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng những văn bản dưới luật cần có sự chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, để tránh kẽ hở cho sự lạm dụng ảnh hưởng an ninh quốc gia hay các ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư.
Tin, ảnh: VŨ DUNG