Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc chiếm 45% dân số cả nước, là khu vực có vị trí địa lý hết sức quan trọng của nước ta; bao gồm toàn bộ hai vùng kinh tế-xã hội trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và một phần vùng Bắc Trung bộ (gồm 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Mặt khác, đây cũng là khu vực có “Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc”, Vùng kinh tế Thủ đô, tam giác kinh tế Hà Nội - Hải phòng - Quảng Ninh, khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc có kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông tốt…

Vì vậy, hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực miền phía Bắc năm 2022 là dịp để ngành công thương tìm ra con đường để toàn vùng phát triển, từng địa phương phát triển. 

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, xét về mặt tổng quan, hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại của toàn khu vực vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực vẫn còn tương đối lớn. Đây là những thách thức đặt ra trong thời gian tới trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. 

Theo báo cáo của Cục Công Thương tỉnh, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại khu vực tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như của cả nước.

Sản xuất công nghiệp của đa số các tỉnh trong khu vực tiếp tục tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ; có 21 tỉnh, thành phố có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng của cả nước (dự kiến cả nước tăng 10,3%) đặc biệt có những tỉnh chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ở mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.

 Quang cảnh hội nghị. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021- 2025, đề nghị các địa phương ban hành các chiến lược, đề án phát triển các ngành công nghiệp, thương mại địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời tích hợp những nội dung này vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để triển khai thực hiện. 

Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử... 

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia, của địa phương, bảo đảm chất lượng và tiến độ quy định; tiếp tục kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp có giá trị cao...

Đặc biệt là, tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương, phối hợp với các bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước, tận dụng tốt các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu....

MINH AN