Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Văn Thành, Phó thủ tướng Chính phủ; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đại biểu một số ban, bộ, ngành Trung ương.
 |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc. |
Báo cáo với đoàn công tác tại buổi làm việc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết, năm 2021 và 7 tháng năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 13,41% đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách nhà nước đạt 31.183 tỷ đồng, vượt 11% dự toán năm 2022, tăng 61% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 50 dự án đầu tư trực tiếp (có 4 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 10.733 tỷ đồng và 41 triệu USD…
Mục tiêu 6 tháng cuối năm 2022, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên, cả năm 2022 đạt 12,2% trở lên, vượt kế hoạch (kế hoạch 11,5%); thu ngân sách phấn đấu đạt 8.817 tỷ đồng trở lên, cả năm đạt 40.000 tỷ đồng trở lên, vượt dự toán (dự toán là 28.143 tỷ đồng trở lên).
 |
Quang cảnh buổi làm việc. |
Để trở thành cực tăng trưởng mới, tỉnh xác định công nghiệp-xây dựng và dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng lớn đóng góp vào GDP. Thanh Hóa đã quy hoạch các khu cụm công nghiệp, tập trung hạ tầng để thu hút đầu tư. Thời gian qua, Thanh Hóa luôn đứng trong tốp đầu các địa phương về thu hút đầu tư, mỗi năm thu hút khoảng 150.000 tỷ đồng. Cho biết tốc độ tăng trưởng GDP của Thanh Hóa đứng thứ 5 cả nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, dư địa phát triển kinh tế đô thị của Thanh Hóa rất lớn, tỉnh cần sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh để có thể tính toán được không gian phát triển, xử lý các bất cập hiện nay.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, trong một nhiệm kỳ, thu ngân sách của tỉnh tăng gấp đôi. Theo báo cáo của tỉnh, năm 2021, thu ngân sách đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 40.781 tỷ đồng, vượt 53% dự toán, tăng 29% so với năm 2020.
 |
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tin tưởng, trong 5 năm tới, Thanh Hóa sẽ có bước phát triển bứt phá. |
Có diện tích hơn 11.100km2 và dân số 3,6 triệu người, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng về lao động và đất đai. Theo Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, với sự gia tăng ngân sách ấn tượng, việc đạt con số thu ngân sách 70.000 tỷ đồng là trong tương lai gần. Từ đó, tỉnh sẽ có thêm nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, nhất là phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thanh Hóa hiện có đủ cả 5 loại hình giao thông, trong đó giao thông đường bộ phát triển mạnh. Năm 2022, sẽ khánh thành một tuyến cao tốc đi qua tỉnh (Mai Sơn - Quốc lộ 45), mỗi năm 2023, 2024 cũng sẽ khánh thành một tuyến cao tốc.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tin tưởng, trong 5 năm tới, Thanh Hóa sẽ có bước phát triển bứt phá. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, Thanh Hóa cần tiếp tục tập trung cao vào phát triển hạ tầng; đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh...
Phát biểu tại tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, nhân dịp Quốc khánh 2-9.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tên địa danh “Thanh Hóa” được các nhà khoa học xác định có từ năm 1029, thời vua Lý Thái Tông. Vậy chỉ còn 7 năm nữa là tròn 1.000 năm ra đời địa danh Thanh Hóa, một vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, gắn với sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự phát triển của Thanh Hóa hiện nay chưa tương xứng với lịch sử phát triển cũng như lợi thế của tỉnh. Quy mô dân số tỉnh chiếm 3,8% cả nước và diện tích chiếm gần 3,4% diện tích cả nước, nhưng quy mô kinh tế hiện mới chỉ chiếm khoảng 2,5% quy mô GDP cả nước. Do đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải tiếp tục có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nhất là khi Thanh Hóa là địa phương hội tụ đủ các lợi thế như một “Việt Nam thu nhỏ”.
 |
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. |
Hướng tới mốc kỷ niệm 1.000 năm danh xưng Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, sau 7 năm tới, vào thời điểm năm 2029, phải có sự bứt phá toàn diện, từ việc tăng nhanh quy mô nền kinh tế, tạo những tiến bộ vượt trội về an sinh xã hội, về văn hóa và môi trường chăm lo cuộc sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân, để Thanh Hóa thực hiện được ước vọng của các bậc tiên liệt và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.
Ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh nỗ lực tận dụng tốt các cơ chế đặc thù được Trung ương chấp thuận để bứt phá. Trong đó có Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37 của Quốc hội. Tỉnh cần phát huy nguồn lực con người, đầu tư hình thành được một trường đại học có chất lượng cao cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh Thanh Hóa và các địa phương khác.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện tốt chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là giai đoạn hậu Covid-19, tích cực triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ; quan tâm tạo việc làm, đào tạo nghề, ưu tiên người nghèo, người dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, phát triển kinh tế phải gắn chặt với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển quê hương, đất nước; chú trọng bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác và hữu nghị với các địa phương của nước bạn Lào, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, liêm chính.
*Chiều 29-8, tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Đây là quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra Anh hùng dân tộc Lê Lợi, phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV.
Tin, ảnh: KHÁNH TRÌNH