Tham dự diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra bức tranh tổng thể về thực trạng phát thải của ngành chăn nuôi, từ đó đề xuất nhiều giải pháp giúp ngành này phát triển theo hướng bền vững.
|
|
Bà Phạm Thị Xuân, Phó chủ tịch Phụ trách Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nhà báo Khánh Toàn, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống điều phối chương trình thảo luận của Diễn đàn. |
|
|
Bà Phạm Thị Xuân, Phó chủ tịch Phụ trách Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Phạm Thị Xuân, Phó chủ tịch Phụ trách Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Hằng năm, lĩnh vực chăn nuôi đóng góp 25 - 26% vào GDP của ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, kể cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Hơn 1 thập kỷ qua, lĩnh vực này duy trì mức tăng trưởng từ 4,5 đến 6%. Do vậy, đã từ lâu, chăn nuôi được xác định là một ngành chủ lực, cần phải chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. Ước tính mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính.
Chuyển đổi xanh hiện nay đang là xu hướng không thể đảo ngược. Ngành chăn nuôi là một trong các nguồn phát thải khí nhà kính như khí CH4, CO… có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu. Vì vậy, việc giảm phát thải trong chăn nuôi là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết.
|
|
TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam trình bày tham luận tại diễn đàn. |
Tham luận tại diễn đàn về thực trạng phát thải trong ngành chăn nuôi, TS Nguyễn Thế Hinh, Phó ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo số liệu thống kê năm 2022, Việt Nam có khoảng 8 triệu con trâu bò, 24,7 triệu con lợn và 380 triệu con gia cầm (GSO 2018-2023). Theo Chiến lược chăn nuôi được phê duyệt, năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 10 triệu trâu bò, 30 triệu lợn và khoảng 670 triệu con gia cầm.
Kết quả kiểm kê khí nhà kính cho thấy ngành chăn nuôi hàng năm thải ra khoảng 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19% lượng phát thải trong nông nghiệp. Có 2 loại khí nhà kính (KNK) chủ yếu được phát thải từ chăn nuôi là khí mê-tan (CH4) và khí ôxít nitơ (N2O). Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 tấn khí CH4 gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 28 tấn CO2 và 1 tấn khí N2O gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 265 tấn CO2.
Đề xuất giải pháp, TS Nguyễn Thế Hinh cho rằng, Chính phủ cần đầu tư hỗ trợ các nghiên cứu và cung cấp các chế phẩm vừa giúp làm giảm phát sinh khí CH4 từ dạ cỏ trâu bò đồng thời cải thiện dinh dưỡng cho trâu bò; cho phép phát điện biogas để nối mạng điện lưới nhằm khuyến khích các chủ trang trại đầu tư máy phát điện biogas công suất lớn để tận dụng hết khí gas sinh ra nhằm đem lại lợi nhuận cho chủ trang trại, giảm thiểu tình trạng xả khí CH4 trực tiếp ra môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các công nghệ thu gom, vận chuyển chất thải chăn nuôi. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và nông hộ thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ để bán và tự sử dụng.
PGS, TS Cao Thế Hà, Trường Đại học Việt Nhật (VJU) & TT CNMT&PTBV (CETASD) - ĐHQG Hà Nội (VNU) cho biết: Hằng năm, chăn nuôi lợn là nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu trong chăn nuôi. 1 con lợn trung bình 54 kg thải 0,36 kg VS-hữu cơ, phát thải khí nhà kính: 1,8 kg CO2/1 kg VSphân lợn. Dự kiến đến năm 2030, số lượng đầu lợn lên đến 30 triệu con tương đương với việc 5.913.000 tấn CO2/năm sẽ được thải ra môi trường.
Chất thải chăn nuôi được coi là nguồn nguyên liệu đầu vào, là tiềm năng phát triển năng lượng khí sinh học (KSH). KSH tạo ra từ chất thải có thể là chìa khóa để thúc đẩy năng lượng bền vững trong tương lai. Hiện nay, ở Việt Nam có hàng nghìn hệ thống KSH được lắp đặt quy mô hộ gia đình sử dụng cho mục đích đun nấu, một số hệ thống máy phát điện KSH được lắp đặt phân tán ở các trang trại chăn nuôi thay thế cho máy phát chạy bằng dầu diesel.
|
|
Ông Nguyễn Văn Toàn, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống phát biểu kết luận diễn đàn. |
Trao đổi về công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi lợn theo hướng kinh tế tuần hoàn, PGS, TS Hà cho hay: Đối với hầm biogas cần khắc phục 2 yếu tố: (1) Thể tích hiệu dụng giảm dần; (2) Dòng chảy tắt làm giảm hiệu dụng, hiệu quả giảm. Xử lý được các vấn đề trên sẽ giúp các hầm biogas đạt QCVN về bảo vệ môi trường, giảm phí vận hành, tối ưu hóa diện tích cho các trường hợp quy mô nhỏ hoặc giới hạn diện tích.
Còn theo TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, kiểm soát môi trường và khí phát thải chăn nuôi của Việt Nam là những vấn đề lớn và còn nhiều bất cập, do mật độ chăn nuôi của Việt Nam thuộc tốp những nước có mật độ chăn nuôi lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có diện tích tự nhiên đứng thứ 66 thế giới, nhưng có số đầu lợn đứng thứ 6 và đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới... quy mô chăn nuôi nhỏ chiếm tỷ lệ cao; công nghệ xử lý chất thải tuy nhiều, nhưng chưa hoàn thiện và phù hợp, nhất là ở các cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ đang chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất.
Về kiến nghị, TS Nguyễn Xuân Dương đưa ra 4 đề xuất bao gồm: Thứ nhất, xử lý chất thải và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi là vấn đề cần phải được danh nghiệp, người chăn nuôi tự giác và chủ động thực hiện.
Thứ hai, đây là vấn đề đòi hỏi công nghệ phù hợp và chi phí lớn, rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ.
Thứ ba, vì đây là vấn đề mới và lĩnh vực chăn nuôi trong nước đang còn gặp khó khăn, kiến nghị Nhà nước chưa nên đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính, mà trước mắt trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2026, chỉ nên áp dụng hình thức khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thực hiện việc kiểm kê và kiểm soát khí phát thải trong chăn nuôi.
Cuối cùng, trong thời gian này, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên môn, hoàn thiện các công nghệ, chính sách để nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng các công nghệ trong xử lý chất thải, kiểm kê và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi.
THANH HẢI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.