Phóng viên (PV)Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xây dựng 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính (khí carbon, methane gây hiệu ứng nhà kính). Với Lộc Trời, ông nhìn nhận cơ hội này như thế nào?

Ông Nguyễn Duy Thuận: Thực ra đối với Lộc Trời, vấn đề này không phải cơ hội mà là trách nhiệm. Từ năm 2016, Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai thực hiện trồng lúa carbon thấp. Tới thời điểm này, Lộc Trời đã được nhận chứng nhận FAO (Tổ chức Nông lương thế giới) và IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế) công nhận là công ty duy nhất trên thế giới trồng lúa xanh và dư ra được carbon.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Duy Thuận. Ảnh: DIỆP ANH 

Kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn SRP 100 (là mô hình thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng phục hồi trong hệ thống lúa gạo-trên đồng ruộng-chuỗi giá trị tính theo thang điểm 100, gồm 41 tiêu chí và 12 chỉ số đánh giá hiệu quả liên quan đến lợi nhuận, năng suất lao động, chất lượng nước, sự đa dạng sinh học, phát thải khí nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động) thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc. Đây chính là dấu hiệu rất rõ ràng định lượng về việc giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2020, 2021, 2022, công ty chúng tôi liên tục đứng đầu thế giới về sản xuất xanh và carbon thấp-một dấu hiệu để nhiều người có thể tự tin về việc trồng lúa thực sự giảm được carbon.

Hiện Lộc Trời có khoảng 200ha lúa ở An Giang và Đồng Tháp đã đạt được chứng chỉ carbon thấp. Nếu mọi việc thuận lợi, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện việc trồng lúa carbon thấp của Tập đoàn ra toàn vùng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

PVLợi ích cụ thể của việc trồng lúa giảm carbon (hay carbon thấp) của Lộc Trời là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Thuận: Đầu tiên là giảm lượng nước, điều này cực kỳ quan trọng. Kết quả nghiên cứu để sản xuất 1kg lúa theo cách canh tác truyền thống trước đây cần tới 5.000 lít nước. Nếu chúng ta áp dụng trồng lúa theo tiêu chuẩn SRP sẽ tiết kiệm rất nhiều nước, giảm lượng nước trong trồng lúa không chỉ tiết kiệm được nước mà qua đó còn giúp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Thứ hai, việc canh tác theo tiêu chuẩn SRP sẽ giúp bà con nông dân an toàn, bảo đảm sức khỏe, không bị phơi nhiễm do sử dụng hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật)... Hiện nay, tiêu chuẩn SRP 100 là tiêu chuẩn cao nhất thế giới về việc canh tác lúa bảo đảm chất lượng cao nhất, đồng nghĩa với việc uy tín của lúa gạo Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao, không chỉ về mặt chất lượng mà còn góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.

leftcenterrightdel
 Nông dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang thu hoạch lúa. Ảnh: NGHINH XUÂN

PVÔng có thể cho biết về hiệu quả kinh tế của 200ha lúa carbon thấp mà Lộc Trời đang áp dụng so với canh tác lúa thông thường?

Ông Nguyễn Duy Thuận: Thực ra 200ha này không chỉ là lúa carbon thấp mà nó là tổng thể của SRP 100. Carbon thấp chiếm khoảng 30% tổng lợi ích khi thực hiện đạt chứng chỉ canh tác lúa theo tiêu chuẩn SIP 100. 1kg lúa bà con nông dân có lợi nhuận 2.000-3.000 đồng (mức trung bình) nếu làm với Lộc Trời và đạt SRP 100, Lộc Trời cộng thêm 1.000 đồng/kg, nghĩa là lợi nhuận tăng thêm 30%. Đồng thời tạo ra một lượng gạo và một chứng chỉ đứng đầu thế giới, giúp bà con nông dân cũng như những người sản xuất lúa gạo trên thế giới vững tin rằng thực sự người nông dân có thể sản xuất lúa gạo chất lượng cao mà không phát sinh thêm chi phí sản xuất.

PVTrong năm 2023 và trong vài năm tới, Lộc Trời có tính mở rộng diện tích trồng lúa theo hình thức này?

Ông Nguyễn Duy Thuận: Lúa chất lượng lúa cao thì giá bán sẽ rất cao. Hiện Việt Nam xuất khẩu gạo khoảng 600-700USD/tấn. Ở châu Âu, người tiêu dùng đang mua ở mức 4.000USD/tấn-mức chênh lệch rất lớn. Nếu muốn gia tăng lượng gạo chất lượng cao xuất khẩu thì cần phải tính đến bài toán dài hơi hơn. Bên cạnh việc mình sản xuất loại gạo chất lượng cao-đó là cái lõi-thì rất cần các khâu khác phải đồng bộ, làm sao đưa được gạo tới người tiêu dùng. Đây là sự phối hợp của nhiều hoạt động trong sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo chứ không chỉ dựa vào người nông dân đang sản xuất lúa gạo chất lượng cao.

PVNgười dân trong nước vẫn kỳ vọng Lộc Trời ngày càng có thêm nhiều diện tích lúa carbon thấp, gạo chất lượng cao và hiệu quả kinh tế hơn để nông dân có động lực làm theo, ông dự định như thế nào?

Ông Nguyễn Duy Thuận: Nếu mình muốn đạt lúa carbon thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long thì Lộc Trời đang dự kiến phải đạt tối thiểu tiêu chuẩn SRP 85-SRP 90. Điều này giúp bảo vệ môi trường. Khi có người muốn mua tín chỉ carbon, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ hết lợi ích này cho bà con nông dân. Với 200ha đang triển khai, bà con nông dân làm với Lộc Trời có lợi nhuận rất cao, nhưng để làm quy mô lớn hơn cần phải có sự đồng bộ. Chúng tôi hy vọng với Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không chỉ giúp cho bà con nông dân mà còn giúp cho môi trường tốt hơn, cả khu vực và thế giới.

PVTrong Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng (lúa carbon thấp) đã được phê duyệt, Lộc Trời sẽ đăng ký diện tích thực hiện là bao nhiêu? 

Ông Nguyễn Duy Thuận: Hiện nay, chúng tôi đã ký với tỉnh An Giang 110.000ha, trong vòng 5 năm tới sẽ ký với tỉnh khoảng 200.000ha. Đối với tỉnh Kiên Giang chúng tôi đã ký năm 2022 với diện tích 100.000ha, sau năm 2025 chúng tôi sẽ đăng ký với tỉnh thêm 200.000ha nữa.

PVTrân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (ghi)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.