Người chăn nuôi chưa quan tâm đến tiêm phòng
Ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay: Từ đầu năm 2025 đến nay, các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiếp tục được kiểm soát tốt trên cả nước. Cụ thể các bệnh: Cúm gia cầm, lở mồm long móng; bệnh viêm da nổi cục, tai xanh lợn hiện không có ổ dịch nào. Các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm như: Dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn, Newcastle, Gumboro... được phát hiện và kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn. Riêng bệnh dịch tả lợn châu Phi cả nước có 102 ổ dịch tại 17 tỉnh, thành phố và 11 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 5 tỉnh, thành phố.
Từ đầu năm 2025, ngân sách nhà nước đã triển khai tiêm vaccine đối với các bệnh, cụ thể như: Lợn tai xanh 764.034 liều (1,4%), dịch tả lợn châu Phi 348.750 liều (1,11%), dịch tả lợn cổ điển 3.762.308 liều (6,6%), lở mồm long móng lợn 1.270.970 liều (2,2%), tụ huyết trùng lợn 2.153.978 liều (3,8%), bệnh phó thương hàn lợn là 338.111 liều (0,6%)...
 |
Tình trạng vận chuyển gia cầm nhập lậu tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Trong ảnh: Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh xử lý một vụ vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh: ĐỖ HÙNG |
Là một trong số ít địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm cao, dịch bệnh được kiểm soát tốt, ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ: Để phòng, chống dịch hiệu quả, 5 năm qua (2020-2025), tỉnh Sơn La đã bố trí ngân sách 81 tỷ đồng để mua vaccine tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Cùng với ngân sách nhà nước, Sơn La cũng đẩy mạnh xã hội hóa để tăng tỷ lệ tiêm phòng. Bí quyết để Sơn La phòng, chống dịch hiệu quả là thực hiện tiêm phòng tốt cho gia súc, gia cầm, đồng thời quyết liệt xử lý khi phát hiện ổ dịch (tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh), ngăn chặn hành vi vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp
Lý giải về những ổ dịch tả lợn châu Phi thời gian qua, ông Phan Quang Minh cho biết chủ yếu xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do không tiêm phòng vaccine. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng ở nhiều địa phương hiện nay còn thấp là do các cơ quan chức năng, chính quyền tại địa phương chưa bố trí đủ kinh phí mua vaccine, việc triển khai mua vaccine và tiêm phòng cũng chưa kịp thời do vướng nhiều thủ tục đấu thầu. Thêm vào đó, việc giao đầu mối mua vaccine tại các địa phương chưa thống nhất. Một số địa phương chủ trương xã hội hóa hoặc chỉ hỗ trợ một phần vaccine phòng bệnh cho các đối tượng (vật nuôi) nhất định, do đó chưa triển khai được đồng loạt các hoạt động tiêm phòng. Nhận thức của một bộ phận người chăn nuôi, nhất là đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm còn yếu, không chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi, thậm chí chỉ khi có dịch xảy ra mới đi mua vaccine tiêm phòng. Việc áp dụng chế tài xử lý vi phạm hành chính người chăn nuôi khi không chấp hành tiêm phòng tại các địa phương gần như không thực hiện được do nể nang, ngại va chạm. Những nguyên nhân này khiến tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm ở nước ta hiện đạt rất thấp, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát, lây lan.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Thành Công cho rằng: Nguyên nhân tỷ lệ tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi còn thấp là do người chăn nuôi chưa tham gia "mặn mà" với việc tiêm phòng. Cộng thêm tâm lý chủ quan của người chăn nuôi, đặc biệt đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Để tăng tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm, tỉnh Sơn La không chỉ bố trí kinh phí mua vaccine mà còn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi về ý nghĩa, vai trò của vaccine trong phòng, chống dịch bệnh. Khi đó, việc tiêm phòng vaccine mới thực sự là một lá chắn giúp bảo vệ chăn nuôi.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, nhiều địa phương vẫn tiêm phòng mang tính hình thức, tỷ lệ bao phủ thấp, giám sát lỏng lẻo và kiểm tra chưa quyết liệt. Tình trạng này không chỉ làm suy yếu hiệu lực của các chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi mà còn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát các đợt dịch nghiêm trọng trên diện rộng.
Để nâng tỷ lệ tiêm vaccine, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất vaccine cũng cần chính sách hỗ trợ, vận động người chăn nuôi sử dụng vaccine tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, đàn vật nuôi. Cùng với đó, ngoài việc tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm ở các địa phương, cần đẩy mạnh giám sát, ngăn chặn, xử lý tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu, gia súc, gia cầm từ nơi có dịch sang địa phương chưa xảy ra dịch.
NGUYỄN KIỂM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.