Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 8-1 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 1 được giao dịch ở mức 78,90 USD/thùng, giảm 0,56 USD/thùng, tương đương 0,70%.
Cùng thời điểm, dầu thô Brent giao tháng 2 được giao dịch ở mức 81,75 USD/thùng, giảm 0,29%, tương đương 0,24 USD/thùng.
 |
Giá dầu giảm sau gần 1 tuần "phi mã". Ảnh minh họa: Oilprice |
Giá dầu giảm, theo Reuters là do thị trường đang phải chịu tác động bởi sự “gián đoạn” nguồn cung từ tình hình bất ổn ở Kazakhstan, tình trạng mất điện ở Libya, và tác động tiềm tàng từ báo cáo tỷ lệ việc làm thấp của Mỹ so với kỳ vọng đối với chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Dầu thô Brent đã giảm 24 cent xuống 81,74 USD/thùng trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 54 cent xuống 78,93 USD/thùng.
Oilprice cho biết, trong phiên giao dịch ngày 7-1, giá dầu Brent đã có lúc được giao dịch ở mức trên 82 USD/thùng và dầu WTI trên 80 USD/thùng.
Dù hai mặt hàng dầu này đều giảm khi kết thúc phiên giao dịch nhưng tính cả tuần đầu năm 2022, cả dầu Brent và WTI đều đang trên đà tăng khoảng 5%, với mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 11-2021.
Giá dầu “lao dốc” sau khi thị trường tiếp nhận thông tin từ Chevron (CVX.N)- tập đoàn ty năng lượng đa quốc gia của Mỹ rằng sản lượng khai thác dầu tại mỏ lớn hàng đầu của Kazakhstan là Tengiz đã giảm vào hôm 6-1 do một số nhà thầu ngăn đường tàu để ủng hộ các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp đất nước Trung Á.
Trong khi đó, sản lượng dầu ở Libya đã giảm xuống 729.000 thùng/ngày so với mức 1,3 triệu thùng/ngày vào năm ngoái, một phần do công tác bảo trì đường ống vẫn đang tiếp diễn.
 |
Gián đoạn nguồn cung đẩy giá dầu "lao dốc". Ảnh minh họa: Reuters |
Tỷ lệ việc làm ở Mỹ tháng 12-2021 tăng thấp hơn so với dự kiến trong bối cảnh thiếu nhân công và mức tăng việc làm có thể vẫn ở mức trung bình trong thời gian tới do các ca nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng theo “hình xoắn ốc” làm gián đoạn hoạt động kinh tế. Điều này cũng đẩy giá dầu “trượt dốc”.
Một nhân tố khác khiến giá dầu vẫn chưa thể “ổn định” là do nguồn cung bổ sung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, Nga và các đồng minh (OPEC +) không theo kịp tốc độ tăng của nhu cầu.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 8-1 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 22.550 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.295 đồng/lít; dầu diesel không quá 17.579 đồng/lít; dầu hỏa không quá 16.518 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.740 đồng/kg.
Bắt đầu từ ngày 2-1, theo Nghị định 95/2021 (sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu), giá bán lẻ xăng, dầu trong nước sẽ được điều chỉnh ba lần/tháng (ngày 1, ngày 11 và 21 hằng tháng), có nghĩa là 10 ngày/lần thay vì 15 ngày/lần trước đó.
Theo đó, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của năm 2022 sẽ là ngày 11-1. Dự báo trong kỳ điều chỉnh này, giá dầu sẽ tăng nhẹ theo đà tăng của giá dầu thế giới.
Trong lần điều chỉnh cuối cùng của năm 2021, ngày 25-12-2021, giá xăng dầu tăng nhẹ sau 2 lần giảm giá liên tiếp. Tính hết năm 2021, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng tới 18 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần.
MAI HƯƠNG