Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 1-1 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 1 được giao dịch ở mức 75,21 USD/thùng, giảm 2,31% (tương đương 1,78 USD/thùng).
Cùng thời điểm, dầu thô Brent giao tháng 2 được giao dịch ở mức 77,78 USD/thùng, giảm 2,20% (tương đương 1,75 USD/thùng).
 |
Giá dầu giảm ngày đầu Năm mới. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, ngày 31-12-2021, giá dầu giảm nhưng thiết lập được mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ 2016. Đà “leo dốc” này của giá dầu là do sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau sự sụt giảm do tác động của đại dịch Covid-19 cũng như sự “thận trọng” của các nhà sản xuất dầu ngay cả khi các ca lây nhiễm tăng cao kỷ lục trên toàn thế giới.
Giá dầu Brent giao tháng 2 đã giảm 1,75 USD/thùng, tương đương 2,2% trong phiên giao dịch ngày cuối năm 2021, xuống còn 77,78 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng giảm 1,78 USD/thùng, tương đương 2,31%, xuống 75,21 USD/thùng.
Mặc dù cả hai mặt hàng dầu đều trải nghiệm sắc “đỏ” trong ngày cuối cùng của năm 2021 nhưng lại kết thúc năm ở mức tăng. Cụ thể, trong cả năm, giá dầu Brent tăng 50,5%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2016, trong khi WTI đạt mức tăng 55,5%, mức tăng mạnh nhất đối với hợp đồng chuẩn kể từ năm 2009, khi giá tăng hơn 70%.
Cả hai hợp đồng đều chạm “đỉnh” năm 2021 vào tháng 10, với dầu Brent ở mức 86,70 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2018 và WTI ở mức 85,41 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2014.
 |
Cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều tăng hơn 50% trong cả năm 2021. Ảnh: Reuters |
“Năm nay (2021) là một câu chuyện về sự phục hồi toàn cầu đối với các sản phẩm dầu", John Kilduff, một đối tác của Again Capital Management ở New York, cho biết, đồng thời nhấn mạnh: "Thị trường dầu tiếp tục phản ứng mạnh với những diễn biến ở mặt trận “đại dịch”. Chúng ta đang ở gần mức nhu cầu trước đại dịch", John Kilduff khẳng định.
Giá dầu toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm tới khi nhu cầu nhiên liệu máy bay bắt lại được “nhịp”.
Theo nhà kinh tế trưởng Craig James của công ty môi giới CommSec của Úc, nhu cầu dầu vẫn tương đối ổn định dù cả hai biến thể Delta và Omicron cùng tồn tại, kèm với đó là một loạt các hạn chế di chuyển và các biện pháp phong tỏa được áp dụng. Đó là do hiệu quả của các gói kích thích tiêu dùng và hạn chế nguồn cung dầu.
Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày tăng liên tiếp, giá dầu lại “trượt dốc” bởi sự tăng vọt các ca nhiễm biến thể Omicron. “Bóng ma” Omicron trên thực tế vẫn phần nào tác động lên thị trường dầu.
 |
Quyết định của OPEC + vào 4-1 liệu có giúp "bình ổn" giá dầu? Ảnh: Reuters |
Các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo người dân cần chuẩn bị cho tình trạng gián đoạn nghiêm trọng trong những tuần tới, với tỷ lệ các ca lây nhiễm có thể “tồi tệ hơn” trong bối cảnh gia tăng du lịch dịp nghỉ lễ mừng năm mới và các trường học mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ đông.
Một cuộc khảo sát của Reuters với 35 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 73,57 USD/thùng trong năm nay, thấp hơn khoảng 2% so với mức 75,33 USD/thùng vào tháng 11-2021. Đây là mức giảm đầu tiên trong dự báo giá cho năm 2022 kể từ cuộc thăm dò hồi tháng 8-2021.
Sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nigeria, Ecuador và Libya đã đẩy giá dầu lên trong tuần cuối cùng của năm 2021. Giá dầu đã có lúc chạm ngưỡng 80 USD/thùng.
Ngày 4-1, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) sẽ nhóm họp để quyết định có tiếp tục tăng sản lượng vào tháng Hai hay không. Quyết định này của OPEC + có thể giúp giá dầu phần nào “ổn định”.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1-1 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 22.550 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.295 đồng/lít; dầu diesel không quá 17.579 đồng/lít; dầu hỏa không quá 16.518 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.740 đồng/kg.
MAI HƯƠNG