Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí gồm: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo còn có sự tham dự của gần 300 đại biểu là lãnh đạo một số tỉnh thành phía Nam, các lãnh sự quán, tổ chức tín dụng quốc tế, chuyên gia trong nước và quốc tế, nhà khoa học... Đại diện Bộ Quốc phòng tham dự hội thảo có đồng chí Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh diễn ra hội thảo. 

Đây là hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tiếp nhận, tiếp thu những ý kiến, tham luận cả về lý luận và thực tiễn, đặc biệt là ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ, gắn với nhiều mô hình, chương trình đổi mới, sáng tạo.

Hội thảo góp phần quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị lý luận, thực tiễn trong việc xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII do Bộ Chính trị giao cho Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo. 

Tại hội thảo, nhiều diễn giả trong nước, quốc tế như đại diện Ngân hàng Thế giới, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh… đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng; kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến nghị đề xuất về chủ trương, các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh và điều kiện mới.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án phát biểu tổng kết hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án nhấn mạnh, hội thảo đã thống nhất cao mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm; là sự nghiệp toàn dân, trong đó con người ở vị trí trung tâm, cần lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ.

Đồng thời, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số quốc gia và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn tới trên cơ sở xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo đột phá và các cực tăng trưởng kinh tế. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữ vai trò nền tảng, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực. 

Yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đặt trong chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu, yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực của nền kinh tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao...

Tin, ảnh: BẢO MINH