Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng: Huy động vốn xã hội hóa vào hạ tầng giao thông đem lại lợi ích lớn
QĐND - Với việc huy động các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong 4 năm qua (từ năm 2010 đến 2014), chỉ số năng lực hạ tầng giao thông của Việt Nam đã tăng 29 bậc. Chỉ số này do Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá 2 năm một lần. Năm 2010, Việt Nam xếp hạng 103, năm 2012 xếp hạng 90 và năm 2014 xếp hạng 74. Rõ ràng, kết quả này có sự kết hợp rất lớn giữa vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn xã hội hóa. Từ trước đến nay, toàn bộ vốn ODA cho ngành giao thông là 18 tỷ USD, trong 4 năm qua, chúng ta đã huy động được 180 nghìn tỷ đồng (tức là 9 tỷ USD) vốn xã hội hóa, tương đương 50% vốn ODA. Nếu không dùng vốn xã hội hóa thì bộ mặt hạ tầng không được như hiện nay. Chúng ta đã đưa được hàng nghìn ki-lô-mét đường bộ vào khai thác, trong đó có 700km đường cao tốc và một số cảng hàng không, nhà ga...
 |
Bộ trưởng Đinh La Thăng.
|
Khi đưa vào vận hành cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nhiều ý kiến cho rằng thu phí cao, nhưng thực tế, thời gian lưu thông giảm 1/2, chi phí giảm 30%. Người dân, doanh nghiệp có 2 lựa chọn, có thể đi đường cũ hoặc đi đường cao tốc. Gần nhất là dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1, giúp đi từ Hà Nội-Thanh Hóa giảm 1/2 thời gian. Thời gian giảm thì chi phí giảm, ngoài ra còn có những chi phí không thể đong đếm hết được như môi trường, sức khỏe, an toàn giao thông. Hay như cầu Cổ Chiên (nối Bến Tre và Trà Vinh), khởi công trước năm 2010, đến 2011 phải dừng, sau đó chuyển sang làm theo hình thức BOT, sau 21 tháng đã hoàn thành.
Rõ ràng với việc chỉ số năng lực hạ tầng giao thông tăng đã góp phần tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó còn góp phần thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, giảm áp lực nợ công. Thực tế, các dự án hạ tầng giao thông tiềm ẩn rủi ro cao, đòi hỏi nguồn vốn lớn, lãi suất cao, thu hồi vốn trong thời gian dài. Sở dĩ thời gian vừa qua chúng ta thu hút được đầu tư vào hạ tầng giao thông vì một số lĩnh vực trước đây có khả năng thu hồi vốn nhanh, lãi lớn như bất động sản thì nay thị trường trầm lắng. Đây là cơ hội chúng ta tranh thủ được. Hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông có ưu điểm là công khai, minh bạch, nhiều người giám sát. Bộ GTVT đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu phí không dừng, sẽ giúp toàn bộ chi phí được công khai, quản lý tập trung. Cần phải khẳng định rằng, việc thu phí sử dụng đường bộ hiện nay là hoàn toàn đúng quy định; lợi ích của xã hội hóa đầu tư đem lại rất lớn, từ vĩ mô đến vi mô.
ĐỖ HƯNG (ghi)