Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình): Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng các giải pháp thiết thực
QĐND - Những tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế tuy được phục hồi nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. Các chính sách điều hành kinh tế còn giật cục, thiếu tính ổn định, làm cho nhà đầu tư lo lắng.
Mặc dù thời gian gần đây mặt bằng chung của lãi suất đã giảm xuống mức thấp nhưng trên thực tế nhiều khoản vay từ những đợt tăng nóng lãi suất cao trước đây đã làm cho doanh nghiệp có phục hồi nhưng rất chậm. Theo số liệu của Bộ Tài chính, số doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ dưới 50%...
 |
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn.
|
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tôi đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể hơn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó có giải pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện ổn định các chính sách tiền lương, tiền bảo hiểm, tiền thuê đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tạo niềm tin cho những nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm, tiếp tục đầu tư lâu dài.
Đề nghị Chính phủ bố trí kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có cơ chế liên kết kinh tế vùng cho nông nghiệp, chính sách ưu tiên tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng 0. Thực hiện xã hội hóa tối đa đầu tư xây dựng các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ, tại một số nông trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang thực hiện phương thức người dân góp đất và công, nhà đầu tư góp vốn, công nghệ và bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 2 đến 2,5% nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, có cơ chế chính sách giải pháp hỗ trợ phát triển theo đặc thù từng ngành, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Điều hành ổn định tỷ giá thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính phủ cần thực hiện đồng bộ quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, Nhà nước rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa bán hết phần vốn Nhà nước, đặc biệt là một số công ty thủy điện lớn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước để tạo nguồn vốn tái đầu tư.
PHÚ QUÝ (lược ghi)