Cử tri NGUYỄN PHƯƠNG ANH, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh):
Mạnh tay xử lý từ cơ sở
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những giải pháp khắc phục tình trạng một bộ phận công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần tăng cường giáo dục, quản lý lao động, mô tả công việc lao động để hạn chế thấp nhất công chức lơ là với công việc. Nội dung trả lời đã đề cập đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan.
 |
Thực tế cho thấy, yêu cầu cao nhất đối với mỗi cán bộ, công chức là phải tận tụy phục vụ người dân. Thế nhưng, có những cán bộ, công chức khi tiếp xúc và giải quyết công việc với công dân lại tỏ ra hách dịch, ban phát mà không biết rằng nhiệm vụ họ đang làm và quyền hạn họ đang có là do nhân dân giao phó. Vấn đề cán bộ xa rời nhân dân, thiếu gắn bó với cơ sở thuộc về đạo đức công vụ mà Chính phủ đã nhiều lần đề cập tới và đã chỉ đạo chấn chỉnh để kịp thời đưa cán bộ, công chức không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy. Tôi cho rằng, ngoài những giải pháp lớn của Chính phủ thì lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải có trách nhiệm và chủ động kiểm tra, rà soát, sắp xếp, giáo dục, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thuộc quyền làm việc cầm chừng, không hiệu quả. Việc bố trí nhân sự chồng chéo, thiếu hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức làm ít, chơi nhiều, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Tôi cho rằng, để thực hiện chủ trương và quyết tâm của Chính phủ khắc phục tình trạng công chức làm việc cầm chừng, thiếu hiệu quả, cần sự vào cuộc của cả bộ máy công quyền; trong đó, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị giữ vai trò quan trọng để chấn chỉnh, xử lý sai phạm ngay từ cơ sở, giúp cán bộ, công chức nhận thức rõ trách nhiệm với tập thể.
YẾN LONG (ghi)
Cử tri NGUYỄN HỮU MẠNH, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng:
Cần minh bạch các yếu tố đầu vào của giá xăng, dầu
Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá điện, giá xăng, dầu và một số mặt hàng khác theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng cần phải minh bạch, công khai các yếu tố đầu vào.
Cử tri chúng tôi đồng thời là người tiêu dùng rất cần những câu trả lời thỏa đáng của Bộ Công Thương: Có bao nhiêu yếu tố tác động đến giá thành xăng, dầu trên thị trường? Những yếu tố đó biến động như thế nào? Giá xăng, dầu tăng mấy đợt vừa qua là đúng hay không đúng?... Nếu minh bạch đầu vào và chứng minh đầu vào phù hợp với đầu ra rõ ràng thì cử tri sẽ không thắc mắc.
Để góp phần giải tỏa những bức xúc của xã hội, cũng như điều hành việc bình ổn giá xăng, dầu như thế nào cho hợp lý để doanh nghiệp và người dân đỡ thiệt thòi, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa vai trò kiểm soát vĩ mô nền kinh tế, trong đó có áp dụng chính sách bình ổn giá xăng, dầu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần công khai minh bạch chính sách quản lý giá xăng, dầu; mặt khác phải yêu cầu doanh nghiệp thông tin trung thực về thực trạng hoạt động.
VĨNH LỘC (ghi)
Cử tri TỐNG THỊ HỒNG, giáo viên Trường THPT Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương:
Tạo nguồn lao động chất lượng từ đổi mới đào tạo và thi cử
Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận, đó là từ lâu nay, nền giáo dục nước ta chỉ chăm chú dạy kiến thức, chưa quan tâm sâu sát tới việc giáo dục hành vi, lối sống. Việc thi cử cũng chỉ tập trung đo lượng kiến thức đã học chứ chưa chú trọng đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của người học. Điều này dẫn đến hệ lụy là phần lớn tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng ngay được công việc, một bộ phận thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành nghề, gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, đáng báo động là tình trạng bạo lực học đường xảy ra trên khắp cả nước trong thời gian qua. Đây là hậu quả của việc buông lỏng trong giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống cho học sinh của chính gia đình, nhà trường và ngành chức năng.
 |
Vì vậy, khi có chủ trương đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, đặc biệt là việc ưu tiên đổi mới đào tạo và thi cử, tôi rất tâm đắc. Đó là việc thay đổi cách dạy học từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Người thầy trở thành người thiết kế các hoạt động giáo dục theo hướng lấy học trò làm trung tâm, tạo cơ sở để học trò chủ động, sáng tạo trong cập nhật tri thức, hình thành kỹ năng. Học sinh ngoài việc được học những kiến thức cơ bản còn được trang bị những kỹ năng mềm, được giáo dục hành vi, lối sống. Cách tổ chức thi cũng chuyển dần từ yêu cầu kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của người học. Thời gian qua, tôi rất đồng tình với Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đưa ra những quyết định quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Điển hình như áp dụng phương pháp đánh giá học sinh theo hướng nhận xét-thay cho cách thức truyền thống là cho điểm số đối với cấp tiểu học, hay ngay trong năm học 2015-2016 quyết định tổ chức duy nhất một kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia nhằm mục tiêu vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng; đồng thời, Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông với chủ trương thống nhất một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa vừa được ban hành…
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức vào đầu tháng 7 tới, tôi mong rằng đề thi sẽ coi trọng đánh giá năng lực chứ không chỉ coi trọng kiến thức. Vấn đề chính là cơ quan chủ quản-Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy trình, tổ chức thật khoa học và chặt chẽ để chống tiêu cực trong thi cử, để kết quả của kỳ thi được xã hội cho là đáng tin cậy.
VŨ DUNG (ghi)
Thạc sĩ NGUYỄN ĐỨC TIẾN, Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ, TP Hà Nội:
Cần tạo quỹ đất cho doanh nghiệp nông nghiệp
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, tôi đặc biệt chú ý đến những khó khăn chưa có lời giải thỏa đáng của ngành nông nghiệp nước ta bấy lâu nay. Đó là chuyện đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, chuyện thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, chuyện liên kết "4 nhà"… Tôi nghĩ, nhiều vấn đề nông nghiệp như vấn đề thị trường, vấn đề đất đai... muốn giải quyết được cần có chính sách tổng thể, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, chứ chỉ có ngành nông nghiệp là chưa đủ.
 |
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn thì điều cần thiết đầu tiên là đất canh tác. Tại huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) cũng như cả miền Bắc đều chung một thực trạng là chủ đất thì nhiều mà diện tích mỗi mảnh đất lại nhỏ, trung bình mỗi khẩu được giao 200m2, mỗi hộ có từ 800m2 đến 1.000m2. Nếu doanh nghiệp muốn thuê đất của dân thì phải đàm phán với rất nhiều người, rất phức tạp, chậm được giao đất. Nhiều hộ đòi giá thuê quá cao, nên doanh nghiệp phải trả chi phí lớn, hiệu quả sản xuất sẽ giảm đi, sản phẩm giảm tính cạnh tranh và cũng khó mở rộng sản xuất.
Vì thế, huyện Phúc Thọ đã chủ động đứng ra làm trung gian để bảo đảm việc thuê đất giữa người dân và doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hợp lý giữa hai bên, bảo đảm quyền lợi của cả nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, các bộ, ngành nên có một giải pháp căn cơ để tích tụ hóa ruộng đất, tạo quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư.
Để tạo đầu ra cho sản phẩm, trước thực tế liên kết "4 nhà” đang còn gặp nhiều khó khăn thì Trung ương và thành phố hằng năm nên hoạch định kế hoạch sản xuất, cung cấp thông tin, dự báo về thị trường, mức tiêu thụ của thị thường (nội địa bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu) để cho huyện, xã và nông dân biết thông tin để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Cần có cách làm năng động để nâng cao giá trị hàng hóa, ví dụ như Phúc Thọ đã tổ chức sản xuất sản phẩm trái vụ thu được giá cao gấp nhiều lần sản phẩm chính vụ. Cùng với đó là phải có chiến lược xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp từng địa phương.
QUỲNH DƯƠNG (ghi)