Cử tri BÙI THÚY QUỲNH (giáo viên Trường Tiểu học Tân Định-quận Hoàng Mai, TP Hà Nội)
Sổ theo dõi chất lượng học sinh đang làm khổ giáo viên tiểu học
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu về Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Đây cũng là vấn đề mà tất cả giáo viên tiểu học chúng tôi đang rất quan tâm.
 |
Theo quan điểm của tôi, chủ trương về việc đổi mới việc đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học của Thông tư 30 là đúng, nhưng nó sẽ chỉ thật sự hiệu quả với điều kiện phải giảm lượng kiến thức và nên chú trọng vào những kỹ năng mềm cho học sinh. Bộ chưa đưa ra những quy định chi tiết, chưa lường hết được mọi tình huống, áp dụng thông tư mỗi nơi một kiểu, chỉ đạo không nhất quán. Hậu quả là học sinh ngày càng lười, giáo viên thì càng phải gồng mình hơn dẫn tới quá tải. Qua một năm thực hiện, tôi thấy Thông tư 30 có ưu điểm là không so sánh học sinh nên tất cả các em đều vui, giảm sức ép. Trước đây, cuối học kỳ, cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm lại công bố các nhóm học sinh theo xếp loại giáo dục: Giỏi, khá, trung bình, yếu. Điều này có thể gây sức ép cho các em có sức học chưa tốt.
Thế nhưng, mặt trái của việc không chấm điểm là sẽ làm giảm động lực phấn đấu của các em. Những quy định về sổ theo dõi chất lượng giáo dục học sinh cũng khiến nhiều giáo viên không ủng hộ Thông tư 30. Đã dạy học, đương nhiên phải có sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Thế nhưng sổ theo dõi chất lượng giáo dục học sinh tiểu học theo Thông tư 30 được thiết kế có phần chưa hợp lý, khiến giáo viên vô cùng bận rộn với nhận xét thường xuyên cả ba nội dung đánh giá. Điều “làm khổ” giáo viên nhất vẫn là phải ghi quá nhiều theo thiết kế của cuốn sổ. Mà cuốn sổ này lại không phải là kênh thông tin giữa cha mẹ học sinh với giáo viên. Những kênh cần phát huy để cha mẹ học sinh biết học lực của con là "nhận xét trực tiếp" và "nhận xét trong vở" không được phát huy vì cô giáo phải dành thời gian để ghi sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Các tiêu chuẩn đưa ra để khen thưởng học sinh trong Thông tư 30 cũng còn tương đối trừu tượng, gây băn khoăn cho người thực hiện.
Tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét và điều chỉnh Thông tư 30, sao cho giáo viên dành toàn bộ thời gian và tâm huyết của giờ học cho học sinh. Tôi hy vọng và chờ đợi những điều chỉnh từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo để năm học tới có những thay đổi tích cực trong việc đánh giá học sinh tiểu học.
QUỲNH DƯƠNG (ghi)
Cử tri NGUYỄN VĂN CHUNG (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng):
Cần có nhiều đề tài ứng dụng trong nông nghiệp
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 12-6, tôi thấy có đại biểu nêu thực trạng "xếp ngăn kéo" của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học do tính khả thi không cao, không thể áp dụng vào thực tế sản xuất, đời sống.
 |
Thực trạng đó đã được nhắc nhiều bấy lâu nay, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân lý giải điều này xuất phát từ chỗ các đề tài được nghiên cứu không từ nhu cầu thực tiễn mà theo sở thích và mong muốn của nhà khoa học. Tôi không biết trong số những đề tài nghiên cứu khoa học bị xếp ngăn kéo ấy có bao nhiêu phần trăm đề tài liên quan đến lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn? Là nông dân, chúng tôi mong đợi rất nhiều ở các nhà khoa học. Chúng tôi rất biết ơn họ khi được thụ hưởng những thành quả từ các công trình nghiên cứu khoa học. Tôi mong tới đây, các nhà khoa học sẽ có thêm nhiều đề tài ứng dụng trong nông nghiệp, nhất là phát triển công nghệ sau thu hoạch, công nghệ bảo quản. Nếu các nhà khoa học, nhà đầu tư làm tốt điều này, tôi nghĩ nông dân sẽ bớt băn khoăn, lo lắng trước thực trạng được mùa-mất giá do lưu trữ nông sản được lâu hơn. Tôi rất vui khi được biết nước ta đã có Luật Khoa học và Công nghệ, theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ được dành cho những công trình nghiên cứu hữu ích cho đời sống, các công trình được ngân sách đầu tư đều theo đơn đặt hàng, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.
HỒNG HIẾU (ghi)
Cử tri VÕ THỊ HỒNG PHƯỢNG (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng):
Cần chú trọng việc dạy và học các môn khoa học xã hội và nhân văn
Trong những năm qua, ngành giáo dục thực sự đã có nhiều cố gắng trong đổi mới phương pháp dạy và học. Cụ thể, nội dung chương trình học ngày càng phong phú, giúp học sinh phát triển toàn diện. Phương pháp dạy học ngày càng đổi mới, phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học sinh. Phương tiện, trang thiết bị dạy học phong phú, hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học. Người học không chỉ học tập trong nhà trường mà còn có thể tự học tập, tìm tòi kiến thức thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Giúp người học chủ động hơn trong quá trình học tập.
 |
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như: Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn nhiều, từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học. Do nhu cầu tìm việc làm sau khi ra trường nên học sinh chỉ chú trọng đến các môn khoa học tự nhiên và ngày càng thờ ơ với các môn khoa học xã hội như: Lịch sử, Địa lý… Vấn đề này tuy đã được các hội nghị, diễn đàn bàn tới nhiều nhưng đến nay tình trạng học lệch, học tủ vẫn không có sự chuyển biến tích cực. Mặt khác, việc lựa chọn các phương án thi tốt nghiệp phổ thông trung học thay đổi thường xuyên qua các năm học. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi thường khá muộn làm cho giáo viên, học sinh và phụ huynh rất bị động. Việc quản lý chất lượng sách giáo khoa, sách tham khảo chưa thật sự chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến quá trình giáo dục. Chế độ ưu đãi cho các giáo viên giảng dạy ở các vùng khó khăn vẫn chưa thật sự tốt, chưa tạo động lực thực sự cho họ cống hiến.
Tôi nghĩ rằng, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thực sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, xây dựng cơ chế tạo việc làm cho các học sinh lựa chọn ngành học khoa học xã hội, kiểm soát chặt chẽ quá trình dạy và học. Đồng thời, kiến nghị Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ giáo viên làm công tác giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa.
HẢI QUỲNH (ghi)
Cử tri DƯƠNG VĂN THUẬT, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)
Cần có chính sách thiết thực để trọng dụng nhân tài
Tôi băn khoăn với hiện tượng rất nhiều sinh viên, học viên đi du học ở nước ngoài nhưng khi tốt nghiệp không muốn trở về nước. Trong khi nguồn lực lớn của xã hội đầu tư cho những người học tập ở nước ngoài thì một phần không nhỏ lại đang "thất thoát". Có ý kiến cho rằng họ là những người “sính ngoại”, không yêu nước, song chúng ta cũng nên đặt vấn đề môi trường làm việc trong nước đã đủ tạo điều kiện, đủ sức hút để những sinh viên, học viên quay trở về hay không? Tôi được biết rất nhiều sinh viên tốt nghiệp loại ưu, thủ khoa ở trong nước hay những người có bằng thạc sĩ ở nước ngoài khi trở về thi công chức nhà nước nhưng không trúng tuyển. Dù rằng, mỗi cơ quan có một tiêu chí riêng trong việc tuyển dụng nhân sự, song nhìn vào thực tế đó, tôi băn khoăn liệu chúng ta có vô tình “đẩy” những tài năng ra đi. Từ đó, khiến nhiều người có năng lực nhưng không mặn mà với công việc của cơ quan nhà nước hoặc không muốn về nước làm việc.
 |
Việc khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển đất nước là đòi hỏi thiết yếu hiện nay, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, tôi mong các cơ quan chức năng, những người sử dụng lao động trong nước quan tâm hơn nữa đến việc thu hút người tài về làm việc. Đó sẽ là tài sản vô giá để giúp đất nước đi lên giàu mạnh.
ĐÀO BÁ HOÀNG (ghi)
Cử nhân luật HỒ MẠNH HÙNG (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh):
Minh bạch trong điều hành giá xăng, dầu
Xăng, dầu là một trong những mặt hàng nhạy cảm, có tác động lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi khi giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hay giảm, đều có ảnh hưởng tới đời sống xã hội và hoạt động kinh doanh. Trong thời gian vừa qua, giá xăng, dầu đã tăng hai lần, với nguyên nhân do giá dầu thế giới tăng. Dù các cơ quan chức năng đã giải thích nguyên nhân tăng giá trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn khiến nhiều người dân thấy bất ngờ. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đến thời điểm hiện nay, việc nhập khẩu, kinh doanh và điều hành giá xăng, dầu đã từng bước theo lộ trình cơ chế thị trường.
 |
Theo quy định của Nghị định 83, giá sản phẩm xăng, dầu thế giới trong vòng 15 ngày nếu có sự thay đổi theo chiều hướng tăng hay giảm, thì đến ngày thứ 16, Bộ Công Thương sẽ xem xét điều chỉnh tăng, giảm cho phù hợp. Thực tế, đa số người dân hiểu rằng việc điều chỉnh tăng hay giảm giá mặt hàng xăng, dầu là điều hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy vậy, không ít người vẫn thắc mắc và bất ngờ khi giá xăng giảm chậm, tăng nhanh. Theo tôi, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu cần phải minh bạch, công khai hơn nữa để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trong đó, phải làm rõ và giải thích cụ thể các chi phí cấu thành giá xăng, dầu, các biện pháp tiết kiệm trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, cách tính giá thành phải có căn cứ, có cơ sở và phù hợp với thực tiễn cũng như minh bạch chi phí đầu vào, đầu ra. Đặc biệt, mỗi khi các cơ quan chức năng đưa ra quyết định điều chỉnh giá tăng hay giảm, phải thông tin kịp thời và minh bạch cho người tiêu dùng.
XUÂN DUY (ghi)