Cử tri TRẦN VĂN ĐÌNH, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội:
Bộ trưởng nên cân nhắc kỹ trước khi hứa
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, tôi khá phân vân về lời hứa sẽ không tăng giá điện thường xuyên của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chiều 11-6. Như đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đã đặt câu hỏi, thực tế ở Việt Nam thời gian qua, điện là mặt hàng chỉ có tăng chứ chưa có giảm giá.
Trong những năm qua, ngành điện đã xây dựng lộ trình để hình thành thị trường điện. Có thể đến khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được hình thành từ năm 2021 có nhiều nhà cung cấp điện để người dân lựa chọn thì giá điện sẽ giảm chăng? Thế nhưng, trước mắt vẫn sẽ là lộ trình tăng giá điện, bởi các doanh nghiệp sản xuất điện vẫn liên tục báo lỗ. Vì vậy, tôi chưa biết Bộ trưởng sẽ làm cách nào để kiểm soát được việc tăng giá điện. Để giữ được lời hứa không tăng giá điện thường xuyên không phải là dễ. Chỉ khi nào chúng ta tìm được cách thức quản lý, sản xuất thật hiệu quả, giúp hạ được giá thành thì lúc ấy mới có cơ sở để giữ giá, giảm giá bán điện.
Với các cử tri thì lời hứa của bộ trưởng là rất quan trọng. Vì thế, chúng tôi mong các bộ trưởng nên cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra những lời hứa, những cam kết. Nếu các bộ trưởng thấy chưa đủ cơ sở để đưa ra lời hứa thì chưa nên hứa. Rõ ràng, có những việc rất khó, một bộ không đủ sức làm, cần phải có sự phối hợp của nhiều bộ.
Dù vậy, cũng như nhiều cử tri khác, tôi ghi nhận những nỗ lực của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa, lương thực trong thời gian qua. Những nỗ lực ấy đã góp phần giúp nền kinh tế của chúng ta từng bước vượt qua khủng hoảng, ổn định trở lại.
Tôi cũng đồng tình với cách điều hành triệt để, rõ ràng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong các phiên chất vấn. Ví dụ như trong phiên chất vấn hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phải chỉ đạo bỏ ngay quy định về việc thu phí kiểm dịch thú y trên từng quả trứng gà hết sức vô lý. Chỉ với cách thức tiến hành như vậy thì các phiên chất vấn mới nâng cao được hiệu quả thực tế.
THỦY TIÊN (ghi)
Cử tri TRẦN HỮU SƠN, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Phải có nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân
Qua theo dõi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường, cử tri chúng tôi chưa thực sự hài lòng. Mặc dù Bộ trưởng đã nêu khá nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp, liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) để giúp đỡ nông dân, nhưng chưa đề cập nhiều tới việc hỗ trợ ngư dân bám biển bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả.
 |
Địa bàn huyện Xuyên Mộc giáp biển nên có khá đông ngư dân. Cuộc sống hằng ngày chủ yếu nhờ đánh bắt hải sản, phụ thuộc rất nhiều vào ngư trường, thời tiết. Để ổn định cuộc sống, chúng tôi rất cần được hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần và môi trường trên biển. Trong khi đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân. Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ còn bất cập và chưa sát với ngư dân. Đối với các chủ tàu lớn, việc tiếp cận nguồn vốn và tự quyết định mẫu mã tàu đã khó, với chủ tàu nhỏ lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt, khả năng hỗ trợ khai thác nguồn lợi thủy sản, nhất là bảo vệ phát triển ngư trường trong tình hình phức tạp hiện nay còn tác động ít nhiều đến tâm lý của một bộ phận ngư dân mỗi khi đánh bắt xa bờ. Cho nên, cử tri chúng tôi rất mong Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với trách nhiệm của mình, cần thâm nhập thực tế nhiều hơn nữa để tham mưu giúp Chính phủ đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ ngư dân để chúng tôi yên tâm vươn khơi bám biển, ổn định cuộc sống và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia.
YẾN LONG (ghi)
Cử tri LÝ QUYỀN, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng:
Thiệt thòi vẫn ở trên lưng người nông dân
Theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, tôi thấy Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình hình, giảm bớt khó khăn và thách thức cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Thế nhưng, tôi có cảm giác một số giải pháp đó chưa thực sự đến được với người nông dân. Cụ thể như trong những tháng đầu năm 2015 này, nhiều nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phải tiếp tục ngậm “quả đắng” thất bại, gần như đơn độc đối mặt với thị trường quá nhiều rủi ro và biến động, không thể làm chủ được các mặt hàng nông sản do chính tay mình làm ra. Như vậy, thiệt thòi vẫn ở trên lưng người nông dân.
 |
Hầu như ở địa phương nào của ĐBSCL cũng có sản phẩm do nông dân làm ra nhưng không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng, nhỏ giọt với mức giá thấp đến khó chấp nhận, trong đó hành tím Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) là một ví dụ điển hình. Có thể đổ lỗi cho người nông dân vì họ sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, nhắm mắt chạy theo thị trường… nhưng còn vai trò của ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương ở đâu? Sự phối hợp, liên kết giữa Nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông có thật sự đi vào chiều sâu? Thời gian qua, tôi thấy chiến lược "tái cơ cấu nông nghiệp" rất ý nghĩa, mục tiêu hướng tới của nó là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; người nông dân không phải tự lo tìm kiếm thị trường tiêu thụ, được định hướng, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để làm ra sản phẩm có đủ sức cạnh tranh. Tôi luôn mong chờ những tín hiệu lạc quan, hiệu quả cụ thể từ chiến lược này.
HỒNG HIẾU (ghi)
Cử tri Y WANG BUÔN RUNG, xã Nam Ka, huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc:
Cần quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.641km2, dân số hơn 5,5 triệu người. Đây là vùng đất có điều kiện tự nhiên và xã hội rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các vùng thâm canh, chuyên canh cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Lợi thế lớn nhất của nông nghiệp Tây Nguyên là vùng đất này có đất đỏ bazan, rất phù hợp với phát triển cây công nghiệp dài ngày. Từ nguồn tài nguyên đất đai, toàn vùng Tây Nguyên đã phát triển được một số cây trồng chính, như: Cà phê 573.400ha, sản lượng đạt hơn 1,3 triệu tấn cà phê nhân/năm; cao su 258.975ha, sản lượng 170 nghìn tấn mủ quy khô/năm; hồ tiêu 42.955ha, sản lượng hơn 78 nghìn tấn hạt/năm; điều hơn 70.000ha, sản lượng 65 nghìn tấn/năm; chè 22.719ha, sản lượng 221 nghìn tấn/năm... Lĩnh vực nông nghiệp tạo việc làm và thu nhập cho 80% dân số; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 40% GDP hằng năm toàn vùng.
 |
Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập, thiếu bền vững. Trong đó bất cập lớn nhất là quá thiếu công trình thủy lợi. Theo thống kê, hiện Tây Nguyên có 2.261 công trình thủy lợi, với tổng dung tích hữu ích 1,02 tỷ m3 nước, bảo đảm nước tưới cho 112.627ha cây trồng các loại, đạt 17,6% tổng diện tích cây trồng cần tưới toàn vùng. Như vậy, vùng Tây Nguyên còn tới 82,4% diện tích cây trồng cần nước tưới, nhưng không được bảo đảm từ công trình thủy lợi, mà sản xuất dựa chủ yếu vào nguồn nước tự nhiên. Vì vậy, theo tôi, những năm tới đây Trung ương, mà cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm đầu tư phát triển thủy lợi vùng Tây Nguyên, nhằm bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững, hạn chế thấp nhất những thiệt hại khi xảy ra hạn hán.
BÌNH ĐỊNH (ghi)