QĐND Online - Trong những năm qua, ASEAN luôn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này có xu hướng chậm lại. Giải quyết vấn đề này như thế nào để tạo đầu ra cho doanh nghiệp là thắc mắc được gửi đến Diễn đàn tăng cường xuất khẩu của Việt Nam diễn ra ngày 17-4.
Thiếu thông tin thị trường
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có xu hướng chậm lại do doanh nghiệp chưa khai thác được hết lợi thế của các hiệp định thương mại. Hạn chế này có nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp, bởi vì không am hiểu về nhu cầu, yêu cầu của thị trường thì khó xuất khẩu thuận lợi.
 |
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các nước ASEAN. Ảnh: doanhnhansaigon
|
Bản chất của câu chuyện này là hiểu biết và nhận thức của doanh nghiệp về thị trường còn rất mơ hồ. Khi không hiểu được thị trường, doanh nghiệp sẽ không hiểu được tác động của tiến trình hội nhập đến từng ngành hàng, mặt hàng.
Bà Phạm Thị Hồng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) nhận xét: “Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh xuất nhập khẩu đều thiếu thông tin và chưa có phương pháp, chiến lược để thu thập và xử lý các thông tin về thị trường”. Phân tích cụ thể về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ví dụ, tham gia các hiệp định thương mại, doanh nghiệp các nước ASEAN trong đó có Việt Nam sẽ được ưu đãi về thuế suất đến mức 0%. Nhưng doanh nghiệp cần biết ngoài vấn đề thuế, thị trường còn nhiều rào cản khác như: Quy tắc xuất xứ, các biện pháp phòng vệ thương mại. “Có thể hình dung tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) như mở một cánh cửa nhưng cửa này có nhiều bậc. Quy tắc xuất xứ yêu cầu ít nhất 40% hàm lượng sản phẩm làm ra phải xuất xứ từ khu vực ASEAN thì mới được hưởng thuế suất 0%. Nếu nhập quá nhiều nguyên liệu từ ngoài khu vực thì thuế suất 0% cũng trở nên vô nghĩa”. Khi ấy, giá cả hàng hóa của Việt Nam trên thị trường các nước ASEAN sẽ cao, mất khả năng cạnh tranh. Hay với vấn đề phòng vệ thương mại thì trường hợp Tôn Hoa Sen của Việt Nam xuất khẩu sang In-đô-nê-xi-a là một điển hình.
Xác nhận tình trạng thiếu thông tin của doanh nghiệp, ông Chu Đức Khải, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam thẳng thắn: “Trừ một số doanh nghiệp lớn, ngành thép có kế hoạch xuất khẩu thép vào thị trường ASEAN, còn đa số các doanh nghiệp chưa biết gì về lộ trình hội nhập này do thị trường thép không còn sôi động nữa”.
Tận dụng cơ hội
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh: “Hội nhập là việc của doanh nghiệp, của khu vực trực tiếp sản xuất ra của cải, vật chất”. Do đó, doanh nghiệp cần khai thác các lợi thế mà cơ quan quản lý nỗ lực mang lại.
Bà Phạm Thị Hồng Thanh gợi ý, các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn như: Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Cam-pu-chi-a, Xin-ga-po và In-đô-nê-xi-a có quy mô thị trường lớn, nơi tập trung của các tập đoàn, công ty đa quốc gia. Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng… Ngoài ra, Mi-an-ma sẽ là thị trường xuất khẩu tiềm năng với hàng tiêu dùng, gia dụng, điện và điện tử, vật liệu xây dựng… của Việt Nam.
Trong ngắn hạn, khu vực Đông Bắc Thái Lan, giáp Lào với thị trường hơn 20 triệu dân (nơi tập trung nhiều Việt kiều) là một thị trường mới doanh nghiệp Việt Nam nên thúc đẩy xuất khẩu. Hàng Việt Nam như: Thực phẩm, đồ xây dựng, chè, cà phê… được đánh giá phù hợp về chất lượng và giá cả trong khi ngành sản xuất của Thái Lan trong thời gian qua chịu ảnh hưởng do bất ổn chính trị.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành lưu ý, chính sách vĩ mô cần hạ tỷ giá, bởi tỷ giá đang có xu hướng mạnh lên. “Tỷ giá mạnh lên sẽ tàn phá nền kinh tế bởi nhập khẩu sẽ rẻ hơn sản xuất nội địa. Chúng ta xuất khẩu nhiều tôm, gạo giá thấp nhưng toàn nhập nguyên liệu, máy móc với giá cao, hàng Việt Nam sẽ đắt hơn hàng của các nước khác”- ông Nguyễn Đức Thành nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện ASEAN là một đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng thương mại của Việt Nam (theo số liệu ước tính năm 2013). Về đầu tư, năm 2013 khu vực này đóng góp 22,4% tổng giá trị vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Những thành viên ASEAN có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan… Trên thực tế AEC và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần tăng nhanh giá trị xuất khẩu giữa Việt Nam với ASEAN và với các đối tác của ASEAN, tác động tích cực tới việc mở rộng thị phần của hàng Việt Nam trên các thị trường có liên quan.
PHƯƠNG THẢO