Dấu ấn các công trình chiến lược
Tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn I) là minh chứng rõ nét cho nỗ lực lớn của toàn thể hệ thống chính trị, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình trong hiện thực hóa tầm nhìn, định hướng hiện đại hóa hạ tầng giao thông trên địa bàn. Tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn I) giữ vai trò chiến lược trong việc kết nối các khu vực trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình và vùng phụ cận. Chỉ sau 10 tháng kể từ khi có chủ trương, dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư và được khởi công đúng dịp kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh, rút ngắn 50% thời gian thực hiện thủ tục so với quy định cho dự án tương đương. Sau 36 tháng thi công, tuyến đường đã hoàn thành, rút ngắn được 20 tháng so với tiến độ được phê duyệt. Đây là tuyến đường có quy mô và tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng-lớn nhất từ trước đến nay do địa phương phê duyệt, và chính thức thông xe toàn tuyến ngày 19-4, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).
 |
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình kiểm tra tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua huyện Yên Khánh. Ảnh: PHƯƠNG NHUNG
|
Ninh Bình đang có bước chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt dự án giao thông quan trọng đã và đang được triển khai. Nổi bật, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình, dự án quan trọng, có vai trò chiến lược như: Đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45; cải tạo, nâng cấp đường ĐT 477; tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 21B đoạn từ cầu Tu đến cầu Cọ...
Ninh Bình cũng vừa khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình-đây là một trục giao thông chiến lược, kết nối các tỉnh ven biển phía Bắc với trục cao tốc Bắc-Nam; dồn lực thực hiện Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn... Ninh Bình cũng đang triển khai khảo sát, thực hiện thủ tục đầu tư, nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng: Tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn II); phương án kết nối tuyến đường Đông-Tây với tuyến đường Hồ Chí Minh để liên thông, đồng bộ kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc, tạo sự kết nối liên vùng giữa Đồng bằng sông Hồng với vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Mở rộng không gian phát triển
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ninh Bình xác định phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối hiệu quả nội vùng và liên vùng, là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, tạo sức bật trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững.
Bước vào đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động về phát triển hạ tầng giao thông, trong đó, Nghị quyết số 10-NQ/ TU ngày 14-12-2021 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu tập trung đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng bảo đảm tính kết nối vùng, liên vùng, mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa và động lực phát triển kinh tế-xã hội. Nhất quán với phương châm "lấy đầu tư công là động lực dẫn dắt", Ninh Bình đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các chủ đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đường cao tốc đi qua Ninh Bình được thuận lợi, sớm hoàn thành, thông xe, đưa vào khai thác sử dụng.
Chỉ riêng năm 2024, tỉnh đã đầu tư hơn 4.336 tỷ đồng cho phát triển giao thông, trong đó có 369,7 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 3.966,69 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng quan trọng, tăng tính kết nối vùng, liên vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Vừa qua, qua kiểm tra công tác thi công Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hai dự án; đề nghị cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; chủ đầu tư và nhà thầu thi công tập trung tối đa nhân lực, máy móc; có giải pháp thi công, biện pháp kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ dự án. Dự án hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm tai nạn giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình và các tỉnh trong khu vực; từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Những công trình giao thông lớn không chỉ làm thay đổi diện mạo hạ tầng, mà còn tạo ra sức hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển các khu đô thị, công nghiệp, du lịch. Hệ thống giao thông hiện đại sẽ giúp Ninh Bình phát huy tối đa lợi thế về địa lý, văn hóa, du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi liên kết vùng phía Bắc, từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn lên, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.
VŨ DUNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.