Điểm nghẽn dễ thấy nhất là mô hình chính quyền 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Mặc dù được thiết kế nhằm bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, thực tế triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề: Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp; thủ tục hành chính rườm rà; cơ chế phối hợp thiếu nhịp nhàng; khó khăn trong ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, việc duy trì quá nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ dẫn đến phân tán nguồn lực, khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch, sử dụng hợp lý tài nguyên và giảm sức cạnh tranh địa phương.

Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại UBND phường 4, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: tuoitre.vn

Một bất cập khác nằm ở tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Dù Hiến pháp năm 2013 khẳng định vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhưng trên thực tế, một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận và các tổ chức thành viên bị chồng lấn, trùng lặp, thiếu gắn kết với cơ sở. Điều này làm giảm hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, hạn chế vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số, yêu cầu về một bộ máy tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả càng trở nên cấp bách.

Đảng đã kịp thời ban hành các nghị quyết để định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập các đơn vị hành chính, kiện toàn tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các chủ trương này, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là bước đi không thể thiếu, nhằm tháo gỡ những rào cản pháp lý, mở đường cho cải cách thể chế sâu rộng.

Mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 đặt ra yêu cầu cấp thiết phải “tái cơ cấu” bộ máy, cải tiến cách tổ chức quản lý. Trọng tâm của lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào hai nhóm vấn đề: (1) Hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, giảm tầng nấc trung gian; (2) Xác định rõ vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, tránh trùng lặp, bảo đảm tính đại diện và phát huy thực chất dân chủ ở cơ sở.

Một yêu cầu quan trọng là quá trình sửa đổi cần được tiến hành thận trọng, khoa học, công khai, minh bạch, có sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, đặc biệt là ý kiến của nhân dân. Việc đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, phá hoại là nhiệm vụ song hành không thể coi nhẹ.

Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, do Chủ tịch Quốc hội đứng đầu, có sự tham gia của lãnh đạo cao cấp, đại diện các tổ chức Trung ương, là minh chứng cho quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước trong việc cải cách thể chế. Đây không chỉ là hoạt động lập pháp thuần túy mà còn là cơ hội khẳng định tinh thần đổi mới, khơi dậy khát vọng phát triển, tạo bước đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Một quốc gia chỉ có thể phát triển bền vững nếu dám đối diện với bất cập, thẳng thắn sửa đổi, cải cách để tiến bộ. Việt Nam, với truyền thống “dĩ bất biến ứng vạn biến”, chắc chắn sẽ tận dụng tốt cơ hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này để xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, một xã hội dân chủ, đồng thuận, qua đó vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.