QĐND - Nhớ lại ngày còn nhỏ, ba mẹ tôi đã rất chú ý dạy tôi phải gọi dạ, bảo vâng; thấy người lớn phải chào hỏi "có đầu có đuôi"... Lớn lên, tôi thấy lớp chúng tôi ngày ấy ai cũng rất chu đáo trong mọi nghi lễ, phép tắc mà ba mẹ dạy dỗ, trong đó có lời chào, mời. Trước khi ra khỏi nhà hay khi trở về là phải chào ông-bà, cha-mẹ, anh-chị…, trước khi ăn, uống phải mời lần lượt từ người lớn tuổi nhất trong gia đình trở xuống…

Thế mà thời nay, cái nghi lễ, phép tắc của lời chào, mời ấy bị nhiều bậc làm cha, làm mẹ xem nhẹ. Không ít người có lối sống quá hiện đại, coi việc đi thưa, về gửi; ăn, uống phải mời người này, người kia là “lỗi thời”, là “cổ hủ”… Có lần, tôi được mời tới dự bữa cơm cuối tuần ở gia đình một cô bạn. Nhà bạn đông người với nhiều thế hệ nên trước khi dùng bữa, tôi phải mời khá… dài! Thấy tôi làm vậy, cô bạn nói to trước cả nhà: “Không phải làm vậy đâu! Nhà tớ trước khi dùng bữa có ai mời ai bao giờ đâu!”. Đã vậy, mẹ của bạn lại càng “thoáng” khi thêm vào: “Ngày trước các cụ cứ phép tắc, chứ thời nay cần gì vậy hả cháu!”.

Các cụ ta đã có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” và ở những vùng nông thôn vẫn còn nhiều nơi giữ được phép tắc ấy, vì vậy, đại đa số những gia đình vẫn rất chú trọng giáo dục con cái trong việc học ăn, học nói. Tuy nhiên, ở các thành phố, thị xã, thị trấn thì sự “lỗi thời” của lời chào, mời đã là quá rõ. Rất nhiều gia đình “quên” dạy con cách chào, mời. Phải chăng, cuộc sống hiện đại cùng công cuộc mưu sinh tất bật khiến họ nhìn nhận vấn đề nhỏ đó là không cần thiết, không quan trọng (?!). Theo tôi, dù họ nghĩ gì, nhìn nhận thế nào, coi nhẹ lời chào, mời trong cách giáo dục con cái cũng là một sai lầm, bởi về sâu xa, khi một con người trưởng thành, dẫu rằng họ có thực tài giỏi song chưa chắc đã là một người xử sự có văn hóa nếu như trong mọi cách giao tiếp của họ thiếu đi câu chào, mời…

Các bậc làm cha, làm mẹ thời hiện đại hãy đừng xem thường, xem nhẹ câu chào, lời mời, mà hãy giáo dục con em mình từ khi mới chập chững vào đời.

NGUYỄN VIỆT HÀ (Viện Văn hóa Dân gian)