QĐND - Dự án Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành dự kiến sẽ tiếp tục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín vào ngày 4-6. Để giải quyết tình trạng quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, việc xây dựng sân bay Long Thành được đánh giá là phương án tối ưu. Những vấn đề còn băn khoăn như thu xếp nguồn vốn đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng... nếu thực hiện “siêu” dự án tại Long Thành đang được tiếp tục làm rõ.
Tân Sơn Nhất: Quá tải và cơi nới
Người dân TP Hồ Chí Minh không còn xa lạ với cảnh tượng tắc nghẽn giao thông tại những tuyến đường đi đến Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Trước cửa nhà ga hành khách luôn thường trực những hàng xe dài nối đuôi nhau chờ đón, trả khách. Trong nhà ga, các quầy làm thủ tục hàng không được bố trí san sát, hành khách thường xuyên phải xếp hàng. Hình ảnh tương tự có thể nhìn thấy ở khu vực kiểm tra an ninh, cổng lên máy bay. Có ngày cao điểm, Tân Sơn Nhất đón hơn 620 lượt chuyến bay cất, hạ cánh. Trung bình mỗi ngày, sân bay này đón 490 lượt chuyến bay cất, hạ cánh. Công suất giờ cao điểm lên đến 8.500 hành khách/giờ.
Theo ông Nguyễn Nam Tiến, Phó giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, công suất mỗi năm của Tân Sơn Nhất là 20 triệu lượt hành khách, trong đó nhà ga quốc tế từ 8 - 10 triệu lượt hành khách. “Nhà ga quốc nội mới được mở rộng, vậy mà dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã kẹt cứng. Khi đón lượng khách đông thì việc bảo đảm chất lượng dịch vụ sẽ khó khăn hơn”- ông Nguyễn Nam Tiến thừa nhận. Giải pháp trước mắt của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là tiếp tục mở rộng thêm quầy làm thủ tục, ống lồng (nối từ nhà ga lên máy bay), sân đỗ.
 |
Phối cảnh Cảng HKQT Long Thành.
|
Khảo sát thực tế Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vào dịp cuối tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá, khó khăn lớn nhất của Tân Sơn Nhất là khả năng kết nối giao thông, bởi sân bay nằm ngay gần trung tâm thành phố. Bài toán quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang đặt ra ngày càng cấp thiết. Nếu tiếp tục mở rộng để cảng hàng không này đạt công suất 25 triệu hành khách/năm thì đến năm 2017 cũng sẽ quá tải. Việc “cơi nới” Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ bị vướng bởi giới hạn diện tích, trong khi công tác GPMB gặp nhiều khó khăn do người dân sinh sống ngay sát hàng rào sân bay. “Nếu duy trì Cảng HKQT Tân Sơn Nhất ở tình trạng như hiện nay chỉ kéo dài khoảng 5-10 năm nữa, về lâu dài phải tính đến làm sân bay khác để hướng tới hai mục tiêu là từng bước thay thế Tân Sơn Nhất và có được sân bay mang đẳng cấp quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chia sẻ. Từ năm 1997, vị trí lựa chọn để xây dựng một sân bay mới tại Long Thành (Đồng Nai) đã được đưa vào quy hoạch.
Chuẩn bị phương án GPMB tại Long Thành
Từ trung tâm TP Hồ Chí Minh, đi qua phố xá đông đúc, ken đặc dòng xe cộ, theo đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, con đường hướng về huyện Long Thành (Đồng Nai) khá thênh thang, rộng mở. Cách TP Hồ Chí Minh khoảng 35km, thời gian di chuyển đến Long Thành mất khoảng 1 giờ.
Chúng tôi đến xã Suối Trầu, thuộc huyện Long Thành, nơi theo quy hoạch sẽ là đơn vị hành chính nằm trọn trong khu vực xây dựng Cảng HKQT Long Thành, phải giải tỏa “trắng”. Chủ trương xây dựng Cảng HKQT Long Thành là một trong những vấn đề được quan tâm nhất của người dân nơi đây. Ủng hộ và sẵn sàng nhường đất để xây dựng sân bay, nhưng ông Nguyễn Văn Tuyên (ngụ tại ấp 1, xã Suối Trầu) không khỏi trăn trở bởi quy hoạch dự án đã có từ gần 20 năm nay, những hộ dân trong vùng dự án không dám đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố. Vì vậy, gia đình ông Tuyên mong dự án sớm triển khai để người dân có điều kiện ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Đồng Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai), tổng số có 4.730 hộ dân với hơn 14.000 nhân khẩu nằm trong vùng dự án, tất cả số hộ dân này đều đã được tham vấn ý kiến về việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành. “Qua tham vấn ý kiến, 100% hộ dân đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án. Chúng tôi cũng chuẩn bị khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn với diện tích hơn 280ha làm nơi tái định cư nếu dự án được triển khai”, ông Nguyễn Đồng Thanh cho biết. Ngoài ra, địa phương đã bố trí đất cho việc di dời các cơ sở tôn giáo, cơ quan, đơn vị. Vấn đề được quan tâm hàng đầu khi thực hiện GPMB, tái định cư ở khu vực này là chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Đa phần hộ dân nơi đây đang kiếm sống bằng canh tác nông nghiệp, chuyển vào khu tái định cư họ gần như không còn đất sản xuất mà sẽ chuyển đổi sang nghề nghiệp khác. Tỉnh Đồng Nai dự kiến đào tạo nghề và bố trí việc làm cho những hộ dân này vào các khu công nghiệp, công nhân trồng cao su hoặc trở thành lao động phục vụ trực tiếp cho xây dựng dự án cũng như vận hành, khai thác sân bay sau này.
Rà soát, điều chỉnh tổng mức đầu tư
Để xây dựng Cảng HKQT Long Thành đạt quy mô của sân bay trung chuyển quốc tế, dự án cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Sau khi rà soát, tính toán trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án tương tự trên thế giới cũng như trong khu vực, giá trị khái toán tổng mức đầu tư là 15,8 tỷ USD, thấp hơn 2,9 tỷ USD so với báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Lý giải về con số này, ông Trần Minh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, việc giảm tổng mức do rà soát lại suất đầu tư, giảm phạm vi GPMB chỉ phục vụ cho các hạng mục hàng không thiết yếu. Theo phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 chỉ làm một đường cất hạ cánh so với phương án trước đây làm 2 đường cất hạ cánh. Khi Cảng HKQT Long Thành đưa vào khai thác vẫn sử dụng đồng bộ với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để bảo đảm sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư tại đây. Dự kiến, giai đoạn 1 mức đầu tư khoảng 5,2 tỷ USD, công suất 25 triệu hành khách/năm, hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2025. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước ước tính hơn 12.000 tỷ đồng (chiếm 11% mức đầu tư) dùng cho công tác GPMB, tái định cư, xây dựng công trình của cơ quan Nhà nước, được phân bổ trong 3 năm (mỗi năm khoảng 4.000 tỷ đồng). Nguồn vốn vay ODA ước tính hơn 29.000 tỷ đồng (chiếm 26,5%), còn lại là vốn ngoài ngân sách Nhà nước với hơn 68.600 tỷ đồng (chiếm 62,4%). Với cơ cấu nguồn vốn sử dụng cho dự án, theo tính toán, tác động lên nợ công tối đa chỉ khoảng 0,28% GDP.
Công suất giai đoạn 1 của Cảng HKQT Long Thành là 25 triệu hành khách/năm, theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, mới chỉ giải quyết được tình trạng quá tải ở Tân Sơn Nhất, chưa có đủ lực để đi cạnh tranh với các trung tâm trung chuyển khác trong khu vực. “Muốn khai thác được tiềm năng hàng không Việt Nam, trở thành cửa ngõ hàng không quốc tế thì phải xây dựng sân bay công suất 50 triệu hành khách/năm”, ông Lại Xuân Thanh bày tỏ. Nhưng trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, ông Lại Xuân Thanh nhìn nhận, khi đầu tư Cảng HKQT Long Thành phải tính toán, “liệu cơm gắp mắm”.
Theo Bộ GTVT, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Cảng HKQT Long Thành tại kỳ họp này, thì phải mất khoảng 10 năm sau, giai đoạn 1 của dự án mới hoàn thành. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là động lực kinh tế của cả nước, để "đầu tàu" kinh tế này tiếp tục phát triển năng động, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Khi dự án triển khai, sẽ giúp nước ta không quá chậm trễ so với các quốc gia khác trong khu vực.
Diện tích Cảng HKQT Long Thành theo quy hoạch được phê duyệt là 5.000ha, nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành (Đồng Nai), kinh phí GPMB khoảng hơn 989 triệu USD. Sau khi rà soát lại, báo cáo đầu tư (báo cáo tiền khả thi) của dự án tính toán nhu cầu sử dụng đất giảm xuống còn 2.750ha dành cho những hạng mục hàng không thiết yếu (không bao gồm đất cho quốc phòng), các hạng mục phụ trợ, khu công nghiệp hàng không, công trình thương mại khác. Kinh phí GPMB giảm còn lại 454 triệu USD. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 2.294 hộ. Báo cáo đầu tư đề xuất GPMB một lần cho cả 2.750ha để bảo đảm tiến độ và tiết kiệm chi phí.
|
Bài và ảnh: MẠNH HƯNG