QĐND - Xử lý những bất cập trong sản xuất kinh doanh cần công khai, rõ ràng, quy đúng trách nhiệm của từng bộ phận, nếu không sẽ gây khiếu kiện, thắc mắc kéo dài. Vụ việc xảy ra ở VNPT Hải Phòng qua bài viết của cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân dưới đây là một ví dụ. 

 

Phân bổ quỹ lương có đúng quy định?

 

Theo trình bày của đại diện người lao động, VNPT Hải Phòng ký hợp đồng lao động hằng năm với Công ty cung ứng lao động Ditel ở Hải Phòng, số lượng lên tới 107 lao động. Có hơn 30 lao động của công ty này đang thực hiện nhiệm vụ là nhân viên hỗ trợ lắp đặt thiết bị dịch vụ viễn thông ở các trung tâm viễn thông của VNPT Hải Phòng; các nhân viên hỗ trợ lập trình trong các phần công việc khác cũng khá nhiều. Trong khi đó, đây lại là những công việc chính của cán bộ VNPT Hải Phòng, những kỹ sư công tác lâu năm được chuyển đi bán… sim thẻ.

Về vấn đề trên, bà Lê Thị Minh Thư, Phó chủ tịch HĐQT phụ trách về lao động của VNPT Hải Phòng giải thích: “VNPT Hải Phòng chỉ tính lương cơ bản, phần còn lại (phần mềm) họ trả trực tiếp cho người lao động để tránh phải trả phí quản lý cho công ty. Bảng lương của nhân viên Ditel làm việc cho VNPT Hải Phòng không đồng nhất với bảng lương ở VNPT Hải Phòng”. Theo nguyên tắc hoạt động doanh nghiệp, việc thu phí và trả lương của công ty thuê nhân lực với VNPT Hải Phòng là có vấn đề, có thể có sự “chế biến” trong hoạt động kế toán và thuế để hợp lý hóa các khoản.

 

VNPT Hải Phòng là một đơn vị hoạt động phụ thuộc vào Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Vì vậy, trong quản lý và sản xuất kinh doanh, hằng năm các bộ phận chức năng hoạch định kế hoạch kinh doanh, việc hoạch định nhân sự lao động và phân bổ quỹ lương chi trả cho người lao động là nằm trong kế hoạch. Khi thiếu lao động thực sự (do khối lượng công việc tăng lên, do người lao động chuyển đi…) thì đơn vị kinh doanh sản xuất phải trình báo cấp trên để xin tuyển người, hoặc là thuê lao động trong thời gian nhất định. Nếu giảm lương lao động, đơn vị này phải báo cáo với Tập đoàn VNPT. Việc để hình thành nguồn chênh lệch trả cho lao động của công ty thuê nhân lực là vi phạm các quy định về lương tại doanh nghiệp nhà nước.

 

Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc VNPT Hải Phòng, cơ quan này đã tổ chức chi trả lương dựa trên trình độ của người lao động, trình độ ấy lại được xác định trên cơ sở thi sát hạch do VNPT Hải Phòng tổ chức. Song thực tế không đúng lý giải của ông Dũng. Nhiều cán bộ sau khi thi sát hạch “không đạt” thì cũng không bị buộc thôi việc. Họ không được phân việc cụ thể, lương chỉ dưới 1 triệu đồng/tháng. Có nhiều trường hợp khó hiểu như của ông Vũ Văn Sự, người đã đỗ kỳ thi chuyên viên chính do Tập đoàn VNPT Việt Nam tổ chức. Tập đoàn đã có thông báo cho VNPT Hải Phòng nhưng VNPT Hải Phòng không thông báo và làm các thủ tục chuyển lương cho ông Sự. Đại diện VNPT Hải Phòng thừa nhận lỗi là do… hành chính, nhưng không đơn vị nào đứng ra thanh tra và kết luận vấn đề này.

 

Thất thoát đổ lên người lao động

 

Theo đơn trình bày của tập thể những lao động tại VNPT Hải Phòng như ông Dương Văn Minh, bà Mỹ An, ông Vũ Văn Sự, ông Vũ Hải Sơn, năm 2009, tại Đài viễn thông An Lão xảy ra mất hàng loạt cáp đồng trên mạng với số lượng lớn, có tổ chức, trị giá mấy trăm triệu đồng. Nhưng VNPT Hải Phòng không báo cáo cơ quan công an, tự lập số lượng mất cắp và tự định giá vật tư cáp đồng đã mất, bắt những người vi phạm nộp khắc phục lấy lệ. VNPT Hải Phòng tự “đẻ” ra đơn giá vật tư đã bị mất cắp để nhân với số lượng vật tư cáp đồng đã mất tính ra thành tiền và bắt các cá nhân nộp tiền khắc phục hậu quả. Đến nay, vẫn chưa rõ số tiền nộp về cho VNPT Hải Phòng đã được sử dụng vào việc gì? Dư luận đặt câu hỏi tại sao VNPT Hải Phòng không trình báo cơ quan công an điều tra làm rõ và thu hồi tài sản về cho nhà nước?

 

Trong giai đoạn 2010 - 2012, Giám đốc VNPT Hải Phòng đã chỉ đạo khắc phục sự việc thanh kiểm tra dây thuê bao ở các trung tâm bằng việc bắt người lao động nộp tiền cho VNPT Hải Phòng. Những số liệu công bố về thất thoát lên đến hàng tỷ đồng, nhưng sau đó VNPT Hải Phòng đã đơn phương trừ tiền lương, tiền thưởng của rất nhiều cán bộ, công nhân viên và bắt người lao động phải nộp tiền. Có những người không hề tham gia vào công việc thất thoát vật tư đó cũng bị nộp tiền trong khi những người đứng đầu các đơn vị để xảy ra thất thoát lại không bị xử lý, chỉ phê bình, nhắc nhở.

 

Về sự việc trên, ông Đặng Xuân Huyền, cán bộ pháp lý của VNPT Hải Phòng, cho biết: “Vụ việc này đã có quyết định giải quyết của tập đoàn. Đối tượng cũng đã khắc phục hậu quả số tiền 27 triệu đồng”. Còn ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc VNPT Hải Phòng, cho rằng: “Những phản ảnh của người lao động đã được cơ quan thanh tra vào cuộc, xử lý. Nếu người lao động không đồng ý thì có thể phản ảnh lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và tòa án”. Cũng theo ông Dũng, VNPT Hải Phòng “không làm hại người lao động”. Tuy nhiên, theo những người lao động, các vụ việc mất cắp và thất thoát đều liên quan đến những lao động bên ngoài. Nhưng khi xử lý, VNPT Hải Phòng lại bổ đầu những người lao động chịu trách nhiệm những việc họ không biết. Đại diện người lao động kiến nghị làm rõ số tiền VNPT Hải Phòng thu của người lao động nay nằm ở đâu và xử lý trách nhiệm các cán bộ liên quan.

 

Đề nghị cơ quan chức năng của VNPT Hải Phòng và VNPT tiếp tục làm sáng tỏ sự việc.

 

Bài và ảnh: HÒA NGUYỄN