QĐND - Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Cam Ly (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã trở thành nỗi bức xúc của người dân, đồng thời khiến các ngành chức năng địa phương "đau đầu". Tuy nhiên, vấn nạn trên sẽ được giải quyết khi Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt đi vào hoạt động. Đây là một tín hiệu vui cho các nhà quản lý cũng như du khách khi đến với thành phố ngàn hoa.
Mối nguy từ rác
Bãi rác Cam Ly rộng gần 12ha, nằm trên địa bàn phường 5, TP Đà Lạt. Theo thống kê từ Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị TP Đà Lạt, mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 130 tấn rác, trong đó có nhiều loại rác thải độc hại như: Phân hầm cầu, bao bì thuốc bảo vệ thực vật... Trải qua hàng chục năm sử dụng, bãi rác Cam Ly đang bị quá tải. Do không có hệ thống tường bao, toàn bộ rác thải sau khi tập kết về đây đều được xử lý theo phương pháp thủ công là xịt thuốc và chôn lấp, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo kết quả khảo sát từ Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hầu hết mẫu không khí, nước thải, nước ngầm xung quanh khu vực gần bãi rác hiện đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
 |
Lãnh đạo Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh giới thiệu dây chuyền xử lý rác của nhà máy. Ảnh: Đình Vũ
|
Không chỉ gây nên tình trạng ô nhiễm cục bộ, bãi rác Cam Ly còn đe dọa tới hệ sinh thái sông Đạ Dâng (thượng nguồn của sông Đồng Nai) bởi nguồn tiếp nhận nước thải từ bãi rác chính là dòng suối Bang Bị, đầu nguồn của sông Đạ Dâng. Theo Đề án "Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bãi rác Cam Ly là một địa chỉ gây ô nhiễm cần phải xử lý.
Từ năm 2013, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có chủ trương đóng cửa bãi rác Cam Ly, đồng thời giao cho đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị TP Đà Lạt tổ chức quy hoạch, cải tạo bãi rác nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí hạn hẹp, cộng với lượng rác thải ngày càng nhiều nên tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.
Giải pháp hữu hiệu
Một tín hiệu đáng mừng đối với vấn đề rác thải tại Đà Lạt là từ giữa tháng 5-2015, Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt tại tiểu khu 163B, xã Xuân Trường (Đà Lạt), do Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư chính thức đi vào hoạt động. Ông Trần Uyên Diễn, Phó giám đốc công ty, cho biết: “Dự án có quy mô 28ha, tổng kinh phí 381 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2011, chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 gồm các hạng mục quan trọng như dây chuyền phân loại, xử lý rác thải quy mô 200 tấn/ngày đêm, lò đốt và nhà máy chế biến phân vi sinh đã hoàn thành”.
Được biết, Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) là đơn vị tư vấn, đồng thời trực tiếp thiết kế, lắp đặt và thi công. Đại tá Trần Văn Hả, chỉ huy xây dựng nhà máy, giới thiệu: “Tất cả quy trình xử lý rác đều được thực hiện bằng công nghệ khép kín, hiện đại, thân thiện với môi trường. Cụ thể, rác thải sau khi tập kết tại miệng hố sẽ được xử lý bằng hóa chất rồi đưa lên hệ thống băng chuyền để phân tách thành 5 loại rác khác nhau. Những loại có thể tái chế sẽ được thu gom, xử lý riêng, phần rác không thể tái chế sẽ được nghiền để sản xuất thành phân bón hoặc đốt và chôn lấp. Toàn bộ nước rỉ từ rác được xử lý bằng hóa chất và tách lọc trước khi xả ra môi trường. Riêng rác thải y tế và các loại rác độc hại được xử lý riêng bằng lò đốt sử dụng công nghệ và máy móc nhập khẩu từ Thái Lan”.
Với công suất thiết kế như hiện nay, nhà máy có thể tiếp nhận và xử lý toàn bộ lượng rác thải của Đà Lạt và vùng phụ cận. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, chủ đầu tư cũng đã tính tới phương án nâng cao công suất, bởi theo dự báo đến năm 2020, lượng rác thải của Đà Lạt sẽ tăng lên khoảng 300 tấn/ngày. Vì vậy, hệ thống hạ tầng đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng bổ sung, mở rộng dây chuyền xử lý rác thải khi cần, bảo đảm giải quyết được toàn bộ rác thải của thành phố trong vòng 10 đến 20 năm tới.
Không chỉ là nơi biến rác thành tài nguyên hữu ích, nhà máy còn được thiết kế để trở thành một khu du lịch sinh thái với hệ thống cây xanh, vườn hoa, hồ nước, nhà nghỉ phục vụ nhu cầu tham quan nhằm nâng cao ý thức cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương và tâm huyết của chủ đầu tư, Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt chính là giải pháp hữu hiệu góp phần xây dựng thành phố ngày càng xanh-sạch-đẹp.
VŨ ĐÌNH ĐÔNG