QĐND - Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ (CTDCVL) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Thủ tướng Chính phủ quyết định triển khai từ năm 2001. Qua 2 giai đoạn thực hiện (2001-2008 và 2008-2014), chương trình đã mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội to lớn, bảo đảm cuộc sống an toàn cho nhân dân vùng lũ. Để tạo điều kiện cho các địa phương vùng ĐBSCL hoàn thành các chỉ tiêu đề ra và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về chỗ ở của nhân dân, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài Chương trình xây dựng CTDCVL đến năm 2020…
Hiệu quả rõ rệt
Trong trận lũ lịch sử năm 2000, vùng ĐBSCL bị thiệt hại rất nặng nề, hàng trăm nghìn căn nhà bị chìm trong biển nước, số người chết và mất tích lên đến hơn 480 người (trong đó 2/3 là trẻ em). Riêng tại các tỉnh đầu nguồn lũ như An Giang, Đồng Tháp, cây trồng, vật nuôi của người dân gần như bị mất trắng. Bên cạnh thiệt hại về kinh tế có thể thống kê được, người dân ĐBSCL lúc ấy còn chịu nhiều thiệt hại vô hình khó định lượng, đó là sự gián đoạn trong các hoạt động xã hội, nỗi bất an trước các hiện tượng thiên nhiên, thảm họa thiên tai, lo lắng vì ốm đau, bệnh tật...
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định kịp thời, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân như Quyết định 173/2001/QĐ-TTg ngày 6-11-2001 về phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2001-2005, đặc biệt là Quyết định 1548/QĐ-TTg ngày 5-12-2001 về chương trình xây dựng CTDCVL. Mục tiêu của chương trình là bảo đảm cho nhân dân vùng lũ thuộc các tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ có cuộc sống an toàn, từng bước ổn định và tiến tới phát triển bền vững. Kết thúc giai đoạn 1, ngày 26-8-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1151/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung các dự án đầu tư (giai đoạn 2, hoàn thành vào cuối năm 2014) nhằm xây dựng thêm một số cụm, tuyến dân cư và bờ bao tại các tỉnh, thành phố nêu trên, đồng thời bổ sung một số hạng mục hạ tầng thiết yếu cho một số cụm, tuyến trong giai đoạn 1. Theo Ban điều phối Chương trình xây dựng CTDCVL, tính cả hai giai đoạn, đến nay chương trình này đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 200.000 hộ dân (tương đương 1 triệu người), tổng vốn đầu tư hơn 8 nghìn tỉ đồng.
 |
Cụm DCVL Vị Đông (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) được đầu tư đầy đủ về cơ sở hạ tầng, giúp người dân an tâm sinh sống.
|
Ông Đoàn Thanh Bình, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: Chương trình xây dựng CTDCVL đã bảo đảm mục tiêu an toàn về người và tài sản cho nhân dân địa phương mỗi khi mùa lũ về. Ông Bình dẫn chứng: Tuy đỉnh lũ của năm 2011 vượt mức báo động 3, nhưng nhờ có các CTDCVL mà người dân trong vùng lũ không phải chạy lũ, thiệt hại về người và tài sản giảm đáng kể, Nhà nước không còn phải hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân do lũ lụt gây ra. Các công trình hạ tầng thiết yếu như: Điện, nước, giao thông trên cụm, tuyến dân cư đã phát huy hiệu quả, bảo đảm sinh hoạt bình thường của nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Là địa phương có số CTDCVL nhiều nhất ĐBSCL, nên công tác triển khai xây dựng được xem là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh, mang tính chiến lược về kinh tế-xã hội. Chương trình xây dựng CTDCVL ở Đồng Tháp đã phát huy hiệu quả tích cực theo đúng mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Theo báo cáo của các địa phương, Chương trình xây dựng CTDCVL ở ĐBSCL đã tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống an toàn, chỗ ở ổn định, đặc biệt là các hộ nghèo, thiếu phương tiện sản xuất; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, có điều kiện tiếp cận các chế độ chính sách, an sinh xã hội...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Chương trình xây dựng CTDCVL ở ĐBSCL là chương trình trọng điểm, có tính chiến lược của Chính phủ. Chương trình không chỉ đạt hiệu quả về kinh tế-xã hội mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân”.
Từng bước hoàn thiện chương trình
Theo đánh giá của Ban điều phối Chương trình xây dựng CTDCVL, trong giai đoạn 1, nhiều địa phương đã chọn địa điểm xây dựng CTDCVL ở nơi khá hẻo lánh, một số CTDCVL chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, công tác hướng nghiệp, dạy nghề chưa được chú trọng… từ đó gây khó khăn cho sinh kế của người dân. Trong giai đoạn 2, các địa phương đã linh động chọn những địa điểm gần đường giao thông và khu vực thương mại, đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân khi di dời khỏi vùng lũ, vùng sạt lở nguy hiểm đến CTDCVL sinh sống.
Vừa qua, chúng tôi có chuyến khảo sát thực tế các CTDCVL Vị Đông, Vị Thanh của huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang-địa phương được đánh giá đạt nhiều kết quả tốt trong Chương trình xây dựng CTDCVL. Theo ghi nhận của chúng tôi, các CTDCVL này đều được đầu tư đầy đủ về cơ sở hạ tầng, người dân xây nhà kiên cố không thua gì ở các khu đô thị. Riêng trong cụm DCVL Vị Đông còn có cả một trường mẫu giáo mầm non khang trang. Ông Hồ Văn Xum (cụm DCVL Vị Đông) phấn khởi nói: “Vì nằm không xa các trung tâm đô thị, đường sá đi lại thuận tiện nên hầu hết người dân ở đây đều có việc làm, thu nhập ổn định, nhiều gia đình có điều kiện phát triển sản xuất, tích cóp xây dựng được nhà cửa, chăm lo cho con cháu học hành. Bà con rất phấn khởi, không còn lo cảnh chạy lũ, cuộc sống bấp bênh như trước đây nữa”. Cũng với tâm trạng phấn khởi tương tự, ông Nguyễn Quốc Trung ở khu DCVL Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi cất nhà sống ven sông rất nguy hiểm, ai cũng làm thuê kiếm sống. Từ ngày vào khu dân cư, chúng tôi được Nhà nước cho vay vốn làm ăn, hỗ trợ xây nhà, cuộc sống đã đi vào ổn định”.
Ông Đoàn Thanh Bình, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long cho biết: Các CTDCVL trên địa bàn Vĩnh Long người dân vào ở rất đông, tâm lý rất phấn khởi nhờ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, các công trình phúc lợi được xây dựng đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bước đầu đã hình thành nếp sống mới, văn minh trong cộng đồng ở các CTDCVL. Đây là cơ sở vững chắc để xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn của Đảng, Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ngoài việc được bố trí nơi ở an toàn, người dân trong các CTDCVL trên địa bàn còn được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, trạm xá, điện, nước sinh hoạt; lồng ghép các chương trình xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… từ đó giúp người dân an tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Vì giai đoạn 2 của Chương trình xây dựng CTDCVL ở ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho kéo dài đến năm 2020, để bảo đảm tiếp tục đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ưu tiên giải quyết vốn thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình giảm nghèo khác để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu trong CTDCVL; tiếp tục hoàn thiện tốt hơn các công trình hạ tầng và nhà ở, xây dựng nếp sống văn minh; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân trong các CTDCVL.
Bài và ảnh: HỒNG HIẾU