Ảnh minh họa: TTXVN.

QĐND - Bạn đọc Thụy Vân (phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh) hỏi:
Đề nghị Tòa soạn cho biết, việc đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào?


Trả lời:
Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Mục 1, Phần III, Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 2-6-2008 của Bộ Tư pháp như sau:

Thứ nhất, trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, mà chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, cũng được áp dụng theo quy định tại Mục I, Chương III của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại mục này để đăng ký khai sinh khi: Trẻ em có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam; cha và mẹ có đăng ký kết hôn; trẻ em về nước cư trú.

Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trong trường hợp này được thực hiện tại Sở Tư pháp tỉnh (thành phố), nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế. Khi đăng ký khai sinh, người đi khai sinh phải cam đoan về việc trẻ em đó chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, đồng thời có trách nhiệm xuất trình Hộ chiếu của trẻ em (nếu có); trường hợp trẻ em không có Giấy chứng sinh hoặc các giấy tờ khác chứng minh việc sinh, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh. Quốc tịch của trẻ em được xác định như sau: Nếu trẻ em có Hộ chiếu nước ngoài, thì quốc tịch của trẻ em là quốc tịch nước ngoài (theo quốc tịch đã ghi trong Hộ chiếu); nếu trẻ em không có Hộ chiếu nước ngoài, thì quốc tịch của trẻ em sẽ được xác định theo thỏa thuận (bằng văn bản) của cha, mẹ; trường hợp không có thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con (vì lý do cha, mẹ không liên hệ được với nhau), thì quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam theo quốc tịch của người cha hoặc người mẹ là công dân Việt Nam. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Trẻ sinh ở nước ngoài, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài”.


Thứ hai, trong trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài; nếu cha, mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì cũng phải có thỏa thuận bằng văn bản của cha, mẹ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam; trường hợp không có thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con (vì lý do cha, mẹ không liên hệ được với nhau), thì quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam theo quốc tịch của người cha hoặc người mẹ là công dân Việt Nam.

Thứ ba, trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì tên của trẻ em là tên Việt Nam (ví dụ: Đỗ Nhật Thành) hoặc tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài (ví dụ: Đỗ Nhật Randy Thành) theo sự lựa chọn của cha, mẹ.

QĐND