Việc hiểu rõ các yêu cầu và quy trình cấp giấy chứng nhận là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu, giúp họ bảo đảm các sản phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn và chất lượng của thị trường nhập khẩu. Theo đó, Thông tư này quy định về thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu. Quy định không áp dụng đối với cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho các thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Ảnh minh họa: laodong.vn 

Thông tư nêu rõ, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cho một lô hàng xuất khẩu hoặc một cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu gồm: Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc một trong những giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân xuất khẩu).

Một phần quan trọng không thể thiếu trong hồ sơ là phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của mẫu thử thuộc lô sản phẩm thực phẩm xuất khẩu (đối với giấy chứng nhận y tế và các giấy chứng nhận khác có liên quan đến lô hàng xuất khẩu), có đầy đủ thông tin về tên sản phẩm, lô sản phẩm thực phẩm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025. Phiếu này sẽ chứng minh rằng mẫu thử của lô hàng đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm và các chỉ tiêu kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia hoặc các tiêu chuẩn quốc tế. Cuối cùng, tổ chức, cá nhân xuất khẩu phải nộp xác nhận đóng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận theo quy định. Bên cạnh đó, trong trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu giấy chứng nhận với mẫu và thông tin khác biệt so với quy định trong Thông tư, tổ chức, cá nhân xuất khẩu cần bổ sung các giấy tờ phù hợp để chứng minh các thông tin yêu cầu đó.

Khi hồ sơ đã hoàn chỉnh, tổ chức, cá nhân xuất khẩu thực phẩm có thể nộp hồ sơ tới Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa, hoặc gửi qua đường bưu điện. Thời gian cấp giấy chứng nhận sẽ không quá 5 ngày làm việc kể từ khi hồ sơ đầy đủ và hợp lệ được nộp. Nếu hồ sơ thiếu sót hoặc không hợp lệ, Bộ Y tế sẽ yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung trong vòng 5 ngày làm việc. Nếu sau 90 ngày mà tổ chức, cá nhân không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hồ sơ sẽ không còn giá trị...

Thông tư 08 của Bộ Y tế là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện chất lượng và tính minh bạch của ngành thực phẩm xuất khẩu Việt Nam. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế sẽ tạo dựng niềm tin vững chắc cho các đối tác, khách hàng quốc tế và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thực phẩm Việt Nam.

DIỆP CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.